Chuẩn bị nền tảng chính sách vững chắc đón nhận
Giảm thuế giá trị gia tăng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh tư liệu

PV: Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi và đang lấy ý kiến xung quanh dự thảo này. Ông có bình luận gì về sự cần thiết ban hành Luật thuế GTGT sửa đổi và thời điểm sửa đổi luật này?

Chuẩn bị nền tảng chính sách vững chắc đón nhận

TS. Phan Hoài Nam: Tôi nghĩ là rất cần thiết. Chúng ta đều biết, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước ta. Do đó, việc cải cách chính sách thuế sẽ góp phần thực hiện yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế hội nhập đang và sẽ đặt ra. Theo xu thế đó, Luật Thuế GTGT cần sửa đổi phù hợp với xu hướng cải cách thuế GTGT của các nước.

Xu hướng cải cách thuế của các nước đều thực hiện cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu, bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thuế thu nhập và thuế nhập khẩu trong bối cảnh thương mại tự do. Chính sách thuế các nước có xu hướng chuyển hướng tăng thu từ thuế tiêu dùng, thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT.

Thứ hai, việc sửa đổi Luật Thuế GTGT sẽ góp phần tạo môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thuế GTGT hiện hành. Từ ngày Luật Thuế GTGT ban hành đến nay, có nhiều luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới như Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Quản lý thuế; Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đất đai. Do đó, đòi hỏi Luật Thuế GTGT phải sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật.

Bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là sắc thuế có số thu lớn nhất trong hệ thống thu NSNN của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, thuế GTGT góp phần đảm bảo cân đối cơ bản cho thu, chi NSNN. Ngoài ra, thuế GTGT được nộp vào ngân sách kịp thời (hàng tháng, hàng quý kế tiếp tháng, quý phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ), nên thuế GTGT tạo dòng tiền đều cho ngân sách.

Thứ ba, sửa đổi Luật Thuế GTGT sẽ giúp phản ánh thực tiễn yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới chính sách thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn cho người nộp thuế, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế từ phía cơ quan thuế.

Tôi cho rằng, việc sửa đổi pháp luật về thuế nói chung và thuế GTGT nói riêng trong giai đoạn này sẽ giúp chuẩn bị nền tảng chính sách vững chắc để đón nhận những luồng gió mới về đầu tư và phát triển kinh tế sau một chu kỳ khó khăn đang trải qua.

PV: Tại dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi lần này, nội dung sửa đổi, bổ sung đã bám sát theo 5 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế GTGT (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Từ quan điểm của chuyên gia tư vấn thuế, theo ông, những nội dung được sửa đổi trên có ý nghĩa thế nào?

TS. Phan Hoài Nam: Nền kinh tế của chúng ta chỉ mới hội nhập vào nền kinh tế thế giới hơn 30 năm qua. Do đó, đôi khi chúng ta phải chấp nhận thực tế là vừa hội nhập vừa học hỏi và thay đổi để thích nghi và tận dụng các cơ hội trong quá trình hội nhập. Hệ thống pháp luật của chúng ta thường xuyên phải được thay đổi để phù hợp xu thế hội nhập sâu rộng trong thời gian vừa qua. Qua nhiều lần sửa đổi, Luật Thuế GTGT đã cải thiện rất nhiều vấn đề chính sách, tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế lẫn cơ quan quản lý thuế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, điển hình như 4 vấn đề sau đây.

Thứ nhất, số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Thứ hai, việc áp dụng các mức thuế suất đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp và việc xác định thuế suất đối với một số hàng hóa gây vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Thứ ba, doanh nghiệp có hàng hóa bán ra chịu thuế GTGT 5% mà đầu vào chủ yếu áp dụng thuế suất 10%, không thể khấu trừ hết đầu vào nhưng lại không được hoàn thuế GTGT, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp này.

Thứ 4, chính sách về hoàn thuế đối với dự án đầu tư vẫn còn nhiều vấn đề bất cập phát sinh trong thực tế.

Tôi cho rằng, dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lần này, nội dung sửa đổi, bổ sung mang ý nghĩa góp phần khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay bằng cách bám sát theo 5 nhóm chính sách gồm: hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về giá tính thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế GTGT.

PV: Ngoài việc sửa đổi về mức thuế, tại dự thảo luật lần này, Bộ Tài chính còn đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế, cũng như cơ quan quản lý. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

TS. Phan Hoài Nam: Tôi rất hoan nghênh những đề xuất sửa đổi và bổ sung trong dự thảo luật lần này từ Bộ Tài chính, nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính. Điều này không chỉ là một bước quan trọng để hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế, mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Việc giảm bớt rủi ro và chi phí hành chính sẽ giúp doanh nghiệp tập trung hơn vào việc phát triển sản phẩm và dịch vụ, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, việc cải cách thủ tục hành chính cũng góp phần vào việc tăng tính minh bạch và công bằng trong quản lý thuế, giúp cả người nộp thuế và cơ quan quản lý có điều kiện làm việc hiệu quả hơn.

Tôi tin rằng những biện pháp này sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung, tôi mong muốn các biện pháp này được triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!