VN-Index điều chỉnh nhẹ do áp lực từ ETF tái cơ cấu

Thị trường chứng khoán hôm nay để mất điểm ở những phút cuối phiên khi đây là phiên cơ cấu của các quỹ ETF trong phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC). Tuy vậy, chỉ số VN-Index vẫn hoàn tất 1 tuần tăng điểm và cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp.

Theo số liệu từ MBS, dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm -1,79 điểm (-0,15%) còn 1.206,33 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán nhưng không nhiều, toàn sàn HOSE có 189 mã tăng, trong khi có 239 mã giảm và 87 mã đứng giá.

Chứng khoán hôm nay (29/7): VN-Index giữ mốc 1.200 điểm, khép lại tháng tăng đầu tiên sau 3 tháng giảm

Chỉ số VN30 cũng sụt giảm -4,14 điểm (-0,33%) xuống 1.232 điểm. Ở rổ VN30 có 15 mã tăng và 15 mã giảm. Nhóm midcap và smallcap cũng giảm lần lượt -0,41% và -0,02%.

Các cổ phiếu lớn gây áp lực lên VN-Index phiên này là: VIC (-4,48%), MSN (-3,46%), VCB (-0,8%), DGC (-6,98%), CTG (-1,45%)… đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu lớn khác như: VHM (+1,87%), SAB (+4,05%), BID (+2,19%), GAS (+1,13%), TCB (+1,61%), …

Trên sàn Hà Nội, diễn biến cũng tương tự trên sàn cổ phiếu HNX niêm yết song tăng nhẹ trên UPCoM. Theo đó, HNX-Index giảm -1,23 điểm (-0,42%) xuống 288,61 điểm. Toàn sàn HNX có 73 mã tăng, 108 mã giảm và 71 mã đứng giá. Trong khi UPCoM-Index tăng +0,11 điểm (+0,12%) lên 89,61 điểm.

Khối ngoại bán ròng nhẹ trong phiên cơ cấu danh mục của các quỹ ETF nội. Lực bán tập trung tại các cổ phiếu như: NVL, ACV, DGC, VHM, HPG… Ở chiều ngược lại, SSI, KBC, STB, DXG, NLG … là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.

Tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt 14.852 tỷ đồng, giảm 9,6% so với phiên trước. Trong đó, giá trị khớp lệnh trên HOSE giảm 7,5% xuống còn 12.915 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn cao hơn so với mức bình quân gần 10.600 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng toàn sàn HOSE có 537 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 482 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.

Trong khi đó, khối ngoại mua vào 46,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.560 tỷ đồng, trong khi bán ra 40 triệu cổ phiếu, trị giá 1.602 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng mua ròng ở mức hơn 6 triệu cổ phiếu, tuy nhiên, nếu tính về giá trị thì dòng vốn này bán ròng 42 tỷ đồng.

Riêng sàn HOSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 7 phiên mua ròng liên tiếp bằng việc bán ròng trở lại 34 tỷ đồng, dù vậy, dòng vốn này vẫn mua ròng hơn 6 triệu cổ phiếu nếu tính về khối lượng. Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 8 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 168.800 cổ phiếu. Tại sàn UPCoM, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 58 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 526.400 cổ phiếu.

Có cơ hội xuất hiện nhịp hồi ngắn hạn?

Theo các chuyên gia của MBS, thị trường chứng khoán hôm nay điều chỉnh nhẹ sau 2 phiên tăng liên tiếp do ảnh hưởng từ hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF nội. Tuy vậy, tuần này đã là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index và trong 5 tuần vừa qua, chỉ số này đã tăng tới 4 tuần và khép lại tháng 7 với mức tăng nhẹ 0,73% sau 3 tháng giảm liên tiếp. Việc hồi phục của thị trường thế giới 2 tuần liên tiếp vừa qua là nhân tố hỗ trợ cho đà tăng của thị trường trong nước.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index phiên này đã 3 lần tiệm cận ngưỡng cản kỹ thuật MA50 nhưng đều không thể vượt qua, đây là phiên đầu tiên chỉ số này tiến sát về ngưỡng kỹ thuật này kể từ khi để mất hồi đầu tháng 4 vừa qua.

Tâm lý nhà đầu tư đang được cởi bỏ khi các rào cản ngắn hạn từ thị trường thế giới đã qua đi, thanh khoản thị trường đã tăng ở 2 phiên cuối tuần cho thấy dòng tiền đã sẵn sàng quay lại thị trường, chỉ số VN-Index có nhiều khả năng sẽ tiệm cận ngưỡng cản kỹ thuật 1.230 điểm trong tuần sau.

Chứng khoán hôm nay (29/7): VN-Index giữ mốc 1.200 điểm, khép lại tháng tăng đầu tiên sau 3 tháng giảm
Thị trường có cơ hội xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn. Ảnh: MBS.

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán trong nước có triển vọng sẽ có nhịp hồi trong ngắn hạn, qua đó củng cố vùng đáy, thậm chí VN-Index trên ngưỡng tâm lý 1.200 điểm là hoàn toàn có thể khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022 của doanh nghiệp niêm yết vẫn là bệ đỡ cho thị trường. Cùng với đó, kỳ vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục khởi sắc trong giai đoạn cuối năm càng thêm minh chứng cho đà hồi phục ngắn hạn đó.

Bên cạnh đó, so với các thị trường lớn trên thế giới, thị trường Việt Nam vẫn có lợi thế trong việc chống lạm phát, do vậy việc chạy đua nâng lãi suất như các nước khác đang có xác suất ở mức thấp.

Nhìn chung, khi các rào cản ngắn hạn từ việc nâng lãi suất từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như việc nền kinh tế lớn nhất thế giới có rơi vào suy thoái thì cũng là việc cũng đã rồi, tâm lý nhà đầu tư sẽ được cởi bỏ, dòng tiền sẽ được khơi thông và quay trở lại thị trường. Từ đây đến lần tăng lãi suất của FED cũng hơn 2 tháng nữa, trong khoảng thời gian đó, biến số lạm phát sẽ là tâm điểm của thị trường, tuy nhiên trước mắt lạm phát tháng 7 nhiều khả năng sẽ thấp hơn tháng 6, do vậy thị trường có nhiều dư địa cho nhịp tăng ngắn hạn./.