Cổ phiếu ngân hàng giúp VN-Index lội ngược dòng

Thị trường chứng khoán hôm nay có phiên hồi phục khá tích cực sau khi để mất gần 40 điểm ở tuần trước. Nếu tính từ mức thấp nhất ở phiên sáng, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 20 điểm và đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày. Nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là nhân tố thúc đẩy thị trường ngược dòng thành công, trong đó nổi bật là cổ phiếu VCB.

Theo dữ liệu từ MBS, dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng +12,14 điểm (+1,13%) lên 1.089,29 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn sàn HOSE có 219 mã tăng, 181 mã giảm và 69 mã đứng giá.

Chứng khoán hôm nay (6/2): VN-Index lấy lại đà tăng, cổ phiếu ngân hàng tạo điểm nhấn
Các cổ phiếu lớn hỗ trợ VN-Index phiên này là: VCB (+3,23%), BID (+3,81%), CTG (+2,93%), TCB (+3,14%), VNM (+1,84%), … đã bù đắp áp lực giảm giá ở các cổ phiếu lớn khác như: VIB (-2,67%), MWG (-1,36%), STB (-1,34%), VHM (-0,31%), HVN (-2,02%), …

Bên cạnh đó, chỉ số VN30 cũng tăng khá nhưng ở mức thấp hơn với +8,67 điểm (+0,80%) đạt 1.094,37 điểm. Ở rổ VN30 có tới 22 mã tăng, trong khi chỉ có 6 mã giảm và 2 mã đứng giá. Nhóm midcap và smallcap cũng phục hồi lần lượt +0,96% và +0,32%.

Thanh khoản trên toàn thị trường giảm còn 10.660 tỷ đồng, giảm 30% so với mức bình quân ở tuần trước, đây cũng là phiên có mức thanh khoản thấp nhất kể từ giữa tháng 1.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng 405 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua tập trung tại các cổ phiếu như: STB, SSI, VCB, VND, KBC,… Ở chiều ngược lại: DPM, DXG, BID, PVT, KDH, … là những cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.

Động lực tăng chưa có, nhưng sức ép giảm rõ rệt

Thị trường chứng khoán hôm nay vẫn cho thấy giằng co trong phần lớn thời gian phiên sáng và một phần phiên chiều. Chỉ số VN-Index chỉ được đẩy tăng trong khoảng 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục phiên chiều và nhất là trong phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC). Chỉ số có một phiên hồi khá ấn tượng về mặt điểm số nhờ công lớn từ nhóm ngân hàng.

Thống kê cho thấy, trong top 10 mã đóng góp lớn nhất cho đà tăng của VN-Index thì có 6 mã ngân hàng, trong đó top 4 hoàn toàn là các mã “Bank”. Đầu tiên là VCB tăng +3,23% và đóng góp +3,57% cho chỉ số; thứ 2 là BIB tăng +3,81% và đóng góp 2,10% cho VN-Index; thứ 3 là CTG tăng +2,93% và đóng góp +1,03% cho VN-Index; và thứ 4 là TCB tăng +3,14% và góp 0,75% cho đà tăng của VN-Index.

Ngoài ra, top 10 còn có sự góp mặt của 2 mã ngân hàng khác là VPB, MSB và các mã trụ khác như SAB, VNM, GAS, PLX.

Điều chưa thực sự trọn vẹn là thanh khoản phiên này giảm khá mạnh. Tiền vẫn thận trọng song tín hiệu tích cực là lực bán đã nhẹ hơn. Trên thực tế, việc chỉ số tăng hôm nay là khá bình thường. Lực bán giảm sẽ khiến tiền vào mua thăm dò và kéo giá đi lên, tuy nhiên, vì thăm dò nên thanh khoản sẽ giảm.

Chứng khoán hôm nay (6/2): VN-Index lấy lại đà tăng, cổ phiếu ngân hàng tạo điểm nhấn
VN-Index lội ngược dòng tăng tốt cuối phiên chiều. Ảnh: Minh họa.

Trên thực tế, thị trường vẫn chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng cho một xu hướng rõ nét hơn. Nhìn khách quan, nhịp tăng này chưa nói lên được điều gì và có thể là chỉ là nhịp hồi kỹ thuật sau tuần giảm mạnh kế trước. Yếu tố tăng mạnh hơn hay dài hơn chưa xuất hiện, trong khi đó, áp lực cho một nhịp giảm sâu cũng suy yếu hẳn. Việc đầu tư nếu chỉ dựa nhiều vào chỉ số có thể sẽ không toàn diện, điều quan trọng hơn là danh mục chọn những mã nào. Thị trường vẫn cần thêm thời gian để test thêm các yếu tố khác.

Theo các chuyên gia của MSB, thị trường có nhiều cơ hội để bứt phá đỉnh tháng 12 khi có sự trở lại của dòng cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt, bên cạnh đó khả năng tăng giá điện trong năm 2023 sẽ hỗ trợ dòng cổ phiếu điện trong các phiên sắp tới.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index tạo mức thấp nhất ở phiên sang khi giảm gần 10 điểm nhưng cả phiên sáng thanh khoản rất thấp, điều đó cho thấy áp lực bán không mạnh dù phần lớn cổ phiếu đủ vòng T+2,5 đều đang ở trạng thái lỗ. Điều này là tín hiệu tích cực giúp dòng tiền dù nhỏ cũng đủ đưa thị trường tăng gần hơn 20 điểm kể từ mức thấp nhất cho đến khi đóng cửa. Các nhóm cổ phiếu tín hiệu hôm nay như: ngân hàng, điện, chứng khoán, bất động sản vừa và nhỏ, … có nhiều cơ hội để tăng trong các phiên sắp tới./.

Chỉ số chứng khoán toàn cầu đã tăng 8,4% kể từ đầu năm và 21,9% từ mức đáy gần nhất. Tuần trước, chỉ số S&P 500 có tuần tăng thứ tư trong vòng 5 tuần trở lại đây vì thị trường tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm. Đối với Nasdaq, đây đã là tuần tăng thứ 5 liên tiếp, nhờ xu hướng mua vào cổ phiếu công nghệ của nhà đầu tư ở Phố Wall, giúp nhóm cổ phiếu này vượt trội so với các cổ phiếu ngành khác. Chỉ số FTSE 100 của Anh chạm mức cao nhất mọi thời đại khi chỉ số bao gồm phần lớn là công ty đa quốc gia này không bị ảnh hưởng mạnh bởi nền kinh tế nội địa.