dau tu chung khoan

Thị trường giảm điểm mạnh mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu cho nhà đầu tư trung và dài hạn. Ảnh ĐD

Vì sao giảm mạnh?

Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 5/2018 với tiêu đề “Liệu đã đến lúc tham lam” vừa được VDSC công bố cho biết, các nhóm cổ phiếu gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng cho VN-Index chính là những nhóm đã dẫn dắt thị trường chinh phục mốc đỉnh mới 1.200 điểm. Đó là các cổ phiếu ngân hàng với mức giảm hơn 17%, nhóm chứng khoán giảm mạnh gần 30% và một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VJC, MSN, PLX…

Nguyên nhân giảm đến từ các tín hiệu rủi ro cả bên trong lẫn bên ngoài. Thứ nhất, đó là diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam đã xuống mức thấp nhất và tương đương với lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ. Hiện tượng này không thuyết phục khi mà Việt Nam là thị trường cận biên, vốn được xem là có tính rủi ro cao hơn so với thị trường phát triển như Mỹ. Với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay trong thời gian còn lại của năm 2018, thị trường tài chính Việt Nam vẫn sẽ biến động trong những tháng tới.

Thứ hai, các nhà quản lý liên quan đã thể hiện sự quan ngại về rủi ro bong bóng đối với các loại tài sản như bất động sản và cổ phiếu. Do đó, nhà điều hành cũng đã có các hành động nhằm hạ nhiệt giá những loại tài sản này. Cụ thể như Ngân hàng Nhà nước hút ròng vốn từ thị trường mở (OMO) trong quý I/2018 và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng bày tỏ quan điểm về thắt chặt tỷ lệ cho vay ký quỹ từ đầu tháng 6/2018.

“Bên cạnh hai yếu tố trên, dòng vốn ngoại cũng là một yếu tố đóng góp vào sự giảm điểm này. Động thái bán ròng của khối ngoại có thể đơn thuần đến từ việc nhiều quỹ đầu tư muốn bảo vệ thành quả của mình trước việc thị trường biến động mạnh, song song đó là khả năng tái cơ cấu danh mục sang các thương vụ IPO, niêm yết mới khác, nhưng đã tác động mạnh đến tâm lý giao dịch chung của toàn thị trường” – Báo cáo của VDSC nêu lý do thị trường mất điểm.

Sẽ tạo đáy trong tháng 5

Tháng 4 đã kết thúc với việc danh mục nhiều nhà đầu tư (NĐT) bị ảnh hưởng nặng nề. Bước sang tháng 5, kịch bản “Sell in May and go away” (bán và thoát hàng trong tháng 5) đang tạo áp lực lên thị trường. Tháng 5 cũng là tháng vùng trũng thông tin nên giao dịch thị trường thường tỏ ra thận trọng. Tuy nhiên, thống kê lại cho thấy trong những năm gần đây, cụ thể từ năm 2013, chỉ số VN-Index đã tăng điểm 4/5 lần. Năm 2017, thị trường cũng điều chỉnh trong tháng 5 và chuyển sang trạng thái “Mua trong tháng 5”.

Tuy vậy, theo VDSC, năm nay mức điều chỉnh là khá lớn cùng với việc bắt đáy thất bại hai lần liên tiếp trong tháng 4 khi chỉ số giảm sâu, thị trường khó có thể sớm bật lại theo mô hình chữ “V” bởi hiện tại vẫn chưa có thông tin hỗ trợ đủ mạnh để đảo chiều thị trường. Kịch bản tốt là không có thêm thông tin xấu nào diễn ra trong tháng 5, bên cạnh tình hình thị trường thế giới, cụ thể là chỉ số chứng khoán Mỹ ổn định hơn trước việc lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tạm thời hạ nhiệt khi chạm mức 3%.

Từ những yếu tố trên, có thể dự báo xu hướng tháng 5 của thị trường: Giảm điểm nhẹ với mức hỗ trợ kỳ vọng là 1.000 điểm. Đan xen với việc giảm điểm nhẹ, thị trường có thể chứng kiến các nhịp hồi phục. Trạng thái luân phiên này tạo ra kịch bản chỉ số VN-Index đi vào xu hướng giảm nhẹ và sau đó chuyển sang tích lũy tạo đáy.

“NĐT nên thận trọng hơn khi sử dụng đòn bẩy trong ngắn hạn. Trong khi đó, do hầu hết các chỉ số ngành đều giảm hơn 10 - 20% so với đỉnh năm 2018 nên tháng 5 sẽ là thời điểm thích hợp để NĐT trung và dài hạn tích lũy cổ phiếu ở mức giá hấp dẫn hơn” – VDSC khuyến nghị./.

Châu Đỗ