ck

Tuần đầu tiên của tháng 7, thị trường diễn biến tích cực trở lại sau những phiên giao dịch “sóng gió” cuối tháng 6, khi cả VN-Index lẫn HNX-Index đều tăng điểm. Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 2,67% đạt 975,34 điểm và HNX-Index cũng tăng 0,84% lên 104,38 điểm. Trong khi đó, thanh khoản lại có diễn biến trái chiều khi HOSE tăng khá với tỷ lệ tăng trên 12%, đạt 17.435 tỷ đồng; còn HNX giảm 12% đạt 1.284,8 tỷ đồng. Về giao dịch của khối các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, lượng giao dịch của khối này gần như ngang bằng, với mức bán ròng trên HOSE chỉ gần 13 tỷ đồng.

Kỳ vọng chuyển biến tích cực từ quốc tế

Có khẳng định, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu trải qua các nhịp lao dốc trong suốt quãng thời gian từ cuối năm 2018 trở lại đây. Tuy nhiên, những diễn biến của cuộc gặp gần đây nhất (cuối tháng 6/2019 tại Nhật Bản) giữa nguyên thủ hai nước đã thắp lại tia hy vọng cho TTCK khi hai bên tuyên bố sẽ nối lại vòng đàm phán và tạm dừng tăng thuế bổ sung. Việc tạm ngưng cuộc chiến này được xem là yếu tố chính kích TTCK toàn cầu bật mạnh trong tuần và TTCK Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ khi cả VN-Index lẫn HNX-Index đều hồi phục tăng điểm.

Một yếu tố từ bên ngoài khác được giới đầu tư trong nước kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ thị trường. Đó là chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hòa Kỳ (FED). Về mặt tâm lý, việc các chỉ số chính trên TTCK Hoa Kỳ như Dow Jones, S&P 500 lần lượt vượt (hoặc áp sát) đỉnh cũ, trong bối cảnh TTCK Việt Nam vừa trải qua nhịp điều chỉnh kéo dài (từ trung tuần tháng 5), sẽ kích thích tâm lý bắt đáy của NĐT trong nước, tăng cường giải ngân để tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu điều chỉnh sâu. Kế đến là kỳ vọng vào dòng tiền khối ngoại. Trong quá khứ (đặc biệt giai đoạn 2009 - 2011), khi các nền kinh tế lớn đồng loạt áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất và bơm tiền, dòng tiền chi phí thấp có xu hướng tăng cường giải ngân vào các tài sản rủi ro với lợi nhuận kỳ vọng cao như TTCK các quốc gia đang phát triển. Do đó, nếu FED mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ như đã làm trong quá khứ, khả năng xuất hiện lại của dòng tiền này là rất lớn. Thứ ba là việc đồng USD suy yếu do FED nới lỏng chính sách. Điều này sẽ giúp ngân hàng nhà nước giảm áp lực trong việc điều hành tỷ giá, có thêm dư địa để tập trung vào các mục tiêu khác như kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng... Nhìn chung, trong bối cảnh nhiều yếu tố rủi ro toàn cầu như hiện nay (chiến tranh thương mại, xung đột ở Trung Đông, khủng hoảng kinh tế, Brexit…), việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ là điểm sáng hỗ trợ cho xu hướng tăng trưởng của TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng.

Sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước

Trong tuần, một thông tin cũng cần được đề cập đó là việc chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam tăng nhẹ nhờ số đơn hàng mới tăng mạnh. Theo Nikkei/IHS Markit, chỉ số PMI của Việt Nam tăng lên 52,5 điểm trong tháng 6/2019 so với 52 điểm của tháng trước đó. Nguyên nhân tăng chủ yếu nhờ vào số đơn hàng mới tăng với tốc độ cao nhất 6 tháng qua, dù tăng trưởng đơn hàng xuất khẩu ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 2. Số đơn hàng mới tăng khiến lượng công việc tồn đọng tăng theo, đòi hỏi các doanh nghiệp phải gia tăng số lượng lao động, qua đó đảo ngược xu hướng giảm trong tháng 5. Báo cáo cũng dự báo các doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục lạc quan về triển vọng sản lượng trong năm tới. Trong khi đó, PMI của nhiều nước trong khu vực châu Á vẫn tương đối ảm đạm. Cụ thể như PMI tháng 6 của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia đều giảm xuống dưới 50 điểm, tức báo hiệu sự suy giảm sâu hơn trong sản lượng. Riêng chỉ số của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng là 47,5 điểm. Cả kết quả PMI sản xuất chính thức của Trung Quốc cũng cho thấy sản lượng giảm trong tháng 6 khi giới doanh nghiệp quan ngại những vấn đề thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung quốc góp phần làm giảm tăng trưởng xuất khẩu, kéo theo mức độ lạc quan trong kinh doanh cũng giảm.

Đối với Việt Nam, những diễn biến mới nhất về chiến tranh thương mại cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, cộng với những kỳ vọng từ việc thông qua EVFTA sẽ càng giúp chỉ số PMI tiếp tục được cải thiện trong giai đoạn tới. Kỳ vọng trên, cộng với việc các số liệu kinh tế 6 tháng được công bố trước đó tỏ rõ những ổn định chắc chắn của vĩ mô trong nước, được xem là những yếu tố tích cực hỗ trợ cho TTCK trong nước.

Trở lại với TTCK trong tuần, việc các chỉ số tăng điểm, đặc biệt là sự hồi phục ấn tượng của
VN-Index ở phiên cuối tuần khi đóng cửa đạt mức cao nhất tính từ đầu tháng 6 tới nay, đi kèm với đó là thanh khoản được cải thiện cho thấy tín hiệu của việc dòng tiền bắt đầu quay lại thị trường. Diễn biến tích cực trên là kết quả của sự xuất hiện cùng lúc nhiều thông tin hỗ trợ thị trường từ cả trong lẫn ngoài nước. Nhịp tăng điểm ngắn hạn cũng đang hình thành và trong bối cảnh như vậy, NĐT được khuyến nghị có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư với mục tiêu ngắn và trung hạn tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giữ vai trò dẫn dắt thị trường như ngân hàng, dầu khí… nhất là những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh và đạt kết quả kinh doanh tốt trong nửa đầu năm 2019.

Châu Đỗ