Đây là thông tin được ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Phòng Nghiên cứu Phân tích, Công ty Chứng khoán Công thương (VietinBankSc) cho biết tại Hội thảo “Thị trường chứng khoán cuối năm 2015 & cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành Dệt may”, do VietinBankSc và Sở GDCK Hà Nội (HNX) phối hợp tổ chức vừa kết thúc chiều muộn ngày 30/10.

Việt Nam là thị trường duy nhất khối ngoại mua ròng ở khu vực

Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, TTCK vẫn được đánh giá là một kênh đầu tư hấp dẫn, đang quay lại xu thế tăng trưởng ổn định, bền vững hơn với chỉ số P/E hiện vẫn ở mức hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực, thể hiện bằng sự tăng trưởng về giá trị và khối lượng giao dịch cũng như tổng giá trị vốn hóa thị trường. Tính đến phiên giao dịch ngày 28/10/2015,VN-Index tăng 9,51%.

thị trường chứng khoán cuối năm
Buổi hội thảo thu hút hơn 200 nhà đầu tư tham dự. Ảnh: DT

Ông Đăng cũng cho biết thêm, thông tin thống kê từ Bloomberg cho thấy Việt Nam là thị trường duy nhất NĐT nước ngoài mua ròng từ đầu năm đến nay, với giá trị 209 triệu USD, trong khi đó TTCK Indonesia và Thái Lan bán ròng lần lượt 1 tỷ USD và 3 tỷ USD.

Thông tin này chứng tỏ, TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với khối ngoại và có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Một thông tin về góc độ phân tích kỹ thuật cũng được ông Đăng chia sẻ, tính từ mốc đáy thấp nhất là thời điểm VN-Index 235 điểm (24/2/2009), thị trường dù có biến động, nhưng vẫn đang trong xu thể đi lên bền vững.

Đánh giá và dự báo về triển vọng thị trường chứng khoán cuối năm 2015 và cơ hội đầu tư, ông Đăng cho rằng, thị trường đang nhận được sự hỗ trợ của các yếu tố tích cực như FED duy trì không tăng lãi suất đến phiên họp tháng 12 tới; những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và cơ quan quản lý (Nghị định 60, dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch chứng khoán (sửa đổi thông tư 74); đề án thoái vốn từ SCIC tại các doanh nghiệp lớn; khối ngoại thường mua ròng vào cuối năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trường; P/E ở mức hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực; …

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, TTCK vẫn phải đối mặt với một số tác động tiêu cực như tình hình Trung Quốc cũng như giá dầu duy trì ở mức thấp.

Do đó, dự kiến TTCK Việt Nam sẽ dao động trong vùng 600 - 610 điểm, tuy nhiên sẽ được phân hóa theo ngành.

“Thị trường nhìn chung ở trong xu thế đi ngang, tuy nhiên, không phải đi ngang là không có cơ hội đầu tư, bởi ở bất kỳ giai đoạn nào của thị trường đều có sự phân hóa theo từng nhóm ngành khác nhau”, chuyên gia đến từ VietinBankSc nói.

Dệt may là một tâm điểm

Ông Đăng cũng lưu ý một số cổ phiếu ngành tâm điểm thích hợp đầu tư vào giai đoạn cuối năm 2015 như: Ngành Vật liệu xây dựng, ngành Công nghệ thông tin, ngành Dệt may,...Trong đó, ngành Dệt may được được đánh giá là có triển vọng tăng trưởng mạnh trước cơ hội lớn từ việc ký kết các Hiệp định thương mại.

Theo đó, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều kín đơn hàng đến hết năm; trong khi đó, giá nguyên phụ liệu đầu vào tiếp tục xu hướng giảm giúp các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận. Do đó, doanh thu và lợi nhuận dự kiến đạt mức tăng trưởng khả quan trong năm 2015, hầu hết đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Hơn nữa, về dài hạn, dư địa phát triển ngành Dệt may còn rất lớn. Bên cạnh việc hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại: TPP, EVFTA, VKFTA, các doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư nhằm gia tăng năng lực sản xuất, hoàn thiện chu trình sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng hệ thống bán lẻ để khai thác thị trường nội địa. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đã và đang da dạng hóa nguồn nguyên phụ liệu, giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Trên thực tế, “nhìn chung ngành Dệt may luôn có diễn biến giá tích cực hơn so với VN-Index, cũng như một số ngành hàng khác. Điển hình trong giai đoạn trước thềm TPP chính thức công bố hoàn tất đàm phán, hầu hết các cổ phiếu trong ngành đều ghi nhận mức tăng giá mạnh”, ông Đăng cho biết thêm./.

Vân Anh