Đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch GAMA Global-Vietnam cho rằng, thị trường bảo hiểm Việt Nam có sự phát triển khá ấn tượng trong hơn 1/4 thế kỷ qua, đóng góp nhiều giá trị tích cực vào quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ sự bình an về tài chính cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam.

Bảo hiểm nhân thọ tiếp tục cho thấy vai trò bảo vệ sức khỏe và tài chính trước những rủi ro.
Bảo hiểm nhân thọ tiếp tục cho thấy vai trò bảo vệ sức khỏe và tài chính trước những rủi ro.

Có thể dẫn chứng số liệu cụ thể năm 2022 từ Bộ Tài chính như: Tổng số tiền đầu tư trở lại từ các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) vào nền kinh tế Việt Nam trong năm là 656 nghìn tỷ đồng; chi trả quyền lợi bảo hiểm trên 64 nghìn tỷ đồng.

Riêng ngành bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đem lại công ăn việc làm chính đáng, hợp pháp cho hàng trăm ngàn người lao động. “So với lịch sử 440 năm phát triển của ngành BHNT thế giới thì tốc độ tăng trưởng của ngành này tại Việt Nam là khá nhanh” - ông Nguyễn Đức Thắng cho hay.

Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022, Việt Nam tiếp tục là thị trường BHNT trọng điểm ở châu Á với những kết quả đáng chú ý như: Tổng số tiền chi trả đạt 44.186 tỷ đồng, tăng 34% (so với cùng kỳ năm trước); đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp BHNT đạt 592.811 tỷ đồng, tăng 13,9%; tổng số lượng hợp đồng đạt 13.921.675 hợp đồng, tăng 5%; tổng doanh thu cả năm đạt 178.327 tỷ đồng, tăng 12%.

Năm 2023 được xem là giai đoạn khó khăn, thử thách đối với thị trường BHNT nói riêng, cũng như toàn ngành kinh tế nói chung trước những biến động của thị trường tài chính trong và ngoài nước. Dù vậy, BHNT tiếp tục cho thấy vai trò bảo vệ sức khỏe và tài chính trước những rủi ro, thông qua tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 11.534 tỷ đồng, tăng 29,2%.

Trong khi đó, số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp BHNT ước đạt 636.585 tỷ đồng, tăng 17%. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp BHNT ước đạt 141.235 tỷ đồng, tăng 21%. Tổng số lượng hợp đồng cuối kỳ ước đạt gần 13,7 triệu hợp đồng, tăng 3,5%. Tổng doanh thu ước đạt 37.849 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thắng, cùng với sự tăng trưởng nhanh, trong thời gian qua, thị trường BHNT đã nảy sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn cho khách hàng, cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng và cả việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.

Cùng với đó là việc hình thành thêm nhiều kênh phân phối, nếu như trước đây chỉ có kênh đại lý tư vấn bảo hiểm, nay còn có thêm kênh phân phối qua ngân hàng, đại lý tổ chức… Điều đó cũng khiến hoạt động khai thác của BHNT trở nên đa dạng và cũng phức tạp hơn.

“Những điều này là nguồn cơn nảy sinh các sự việc gây tranh cãi, khiến người tham gia bảo hiểm hoang mang, lo lắng. Cùng với sức mạnh của các công cụ mạng xã hội, truyền thông mạng đã khiến mọi việc bị đẩy đi xa hơn bản chất của nhiều vấn đề ban đầu” – ông Thắng nói.

Cần sự chung tay để thị trường bảo hiểm nhân thọ “tăng chất”

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về tình hình triển khai cung cấp dịch vụ BHNT thời gian qua. Trong đó, Phó Thủ tướng đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản hướng dẫn có liên quan, trong đó nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của DNBH trong việc nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm, giám sát hoạt động tư vấn của đại lý, bảo đảm minh bạch thông tin với khách hàng.

Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với các quy định hiện hành và triệt để khắc phục những bất cập trong triển khai BHNT trong thời gian qua.

“Tiếp tục yêu cầu các DNBH khẩn trương rà soát tổng thể quy trình nghiệp vụ, bảo đảm việc triển khai đúng quy định, thực hiện tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về hợp đồng bảo hiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” - kết luận của Phó Thủ tướng nêu rõ.

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng tăng mạnh

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, có gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đã bán qua kênh ngân hàng năm 2022 với tổng phí năm đầu lên gần 23.800 tỷ đồng, chiếm 46% doanh số khai thác mới của kênh BHNT. Tính lũy kế đến hết năm 2022, có khoảng 2,9 triệu hợp đồng BHNT mua kênh ngân hàng với doanh số khai thác là 45.000 tỷ đồng.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và DNBH. Người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

Mặt khác, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu rà soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp BHNT và tiến hành xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm quy định pháp luật.

Về phía các DNBH, cơ quan quản lý đã yêu cầu rà soát lại các sản phẩm bảo hiểm, đơn giản hóa quy tắc, điều khoản, tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của DNBH, để người dân có đủ thông tin toàn diện, khách quan, hiểu đúng về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của DNBH.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Mặt khác, cần thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đào tạo các đại lý để tăng chất lượng tư vấn và dịch vụ khách hàng.

Đối với khách hàng tham gia bảo hiểm, cần tìm hiểu kỹ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ cho chính mình, đồng thời giảm thiểu tranh chấp phát sinh về sau. Về phía Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cần phối hợp với cơ quan quản lý tăng cường hơn nữa tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm, cũng như xây dựng, thực hiện chương trình tuyên truyền tổng thể của lĩnh vực bảo hiểm.

Đồng thời, hiệp hội cần xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các DNBH để kịp thời xử lý các đại lý bảo hiểm vi phạm, góp phần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương của thị trường bảo hiểm và bảo vệ các đại lý chuyên nghiệp; xây dựng các quy chế, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với hoạt động đại lý, tư vấn bảo hiểm…

Chấn chỉnh tình trạng “ép buộc” khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, làm rõ thông tin phản ánh về các tồn tại, bất cập có liên quan đến đại lý bảo hiểm độc quyền tại ngân hàng; tình trạng ép buộc, lôi kéo khách hàng của ngân hàng tham gia bảo hiểm; có biện pháp chấn chỉnh, không để tạo dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Ngân hàng và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng.