Xu hướng tiêu dùng của người dân EU ngày càng xanh hóa
Tại tọa đàm “Chuyển đổi xanh - yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp xuất khẩu sang EU” tổ chức ngày 19/9, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, sau 3 năm triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) cho thấy kỳ vọng về sự tăng trưởng thương mại Việt Nam - EU đã trở thành hiện thực.
Các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách, đại diện DN tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Vân |
Tuy nhiên, từ năm thứ 3 trong lộ trình thực thi EVFTA, những lợi thế và kết quả này đã phần nào bị ảnh hưởng bởi EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao, gia tăng các yêu cầu về chất lượng đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững… với hàng hóa nhập khẩu, gọi chung là các “tiêu chuẩn xanh”. Đây không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp mới xuất khẩu sang EU mà là thách thức với cả những doanh nghiệp (DN) đã có kinh nghiệm tại thị trường này.
Ông Lê Chung Khanh nhấn mạnh, tiêu chuẩn xanh không chỉ đến từ quy định của EU mà là đến từ người tiêu dùng EU, từ xu hướng tiêu dùng của EU. Nhiều quy định của EU không phải đánh trực tiếp cho xuất khẩu mà đánh trực tiếp vào nhà nhập khẩu của EU. DN muốn xuất khẩu sang EU một cách bền vững cần hết sức quan tâm đến vấn đề phát triển vững. |
Để xuất khẩu bền vững buộc DN Việt Nam phải chuyển đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao để đảm bảo cung cấp sản phẩm xanh, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững của thị trường.
Ông Ngô Chung Khanh phân tích thêm, EVFTA có một chương là phát triển bền vững. Vấn đề phát triển bền vững trong EVFTA đề cập đến hai lĩnh vực, một là về môi trường, hai về lao động.
Về môi trường, trong EVFTA đề cập đến bốn khía cạnh chính. Thứ nhất là biến đổi khí hậu, thứ hai là đa dạng sinh học, thứ ba là quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản, thứ tư là quản lý phát triển, bảo tồn các sinh vật biển và nuôi trồng thủy sản.
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Hồng Loan - Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM, chia sẻ thêm, EU vốn là thị trường có tiêu chuẩn liên quan đến môi trường rất cao và các quy định của EU đối với các sản phẩm trong nước liên quan đến môi trường đã được quy định từ rất sớm, từ những năm 1987. Tuy nhiên, gần đây, các quy định này được quy định chặt chẽ hơn, tăng tốc hơn, bắt đầu từ việc EU phê duyệt Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990 và hướng tới mục tiêu rất tham vọng là đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là thách thức đòi hỏi các DN có giải pháp đáp ứng yêu cầu của thị trường EU.
Doanh nghiệp chủ động thích ứng với chuyển đổi xanh
Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi xanh, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chắc chắn là những tiêu chuẩn xanh hay bền vững của EU sẽ bao trùm tất cả những sản phẩm được xem là thế mạnh của chúng ta khi xuất khẩu vào thị trường EU, ví dụ như nông thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày… Cho nên chắc chắn là số lượng, phạm vi các DN và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng là lớn.
Đây cũng là một thách thức đối với DN trong nước bởi các tiêu chuẩn này không phải đặt ra, sau đó tuân thủ là xong mà đây là một chuỗi những thay đổi và nó xanh dần, bền vững dần, tức là các DN nếu muốn tuân thủ thì phải thường xuyên theo dõi mới đảm bảo được. Cuối cùng là việc thích ứng với những tiêu chuẩn này đòi hỏi nỗ lực, nhận thức và chi phí rất lớn đối với các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là phần lớn các doanh nghiệp trong nước là DN nhỏ và vừa.
Đại diện VCCI cho biết thêm, ý thức của DN về chuyển đổi xanh được nâng lên rất nhiều. Đến gần 70% DN Việt Nam đã biết về chương trình từ nông trại đến bàn ăn của EU trong chiến lược xanh áp dụng đối với các sản phẩm nông sản thực phẩm, hay gần 80% DN có liên quan biết đến luật chống phá rừng của EU.
Gia công hành may mặc xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: minh họa |
Về phía DN, ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, Vinatex xác định phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện về chiến lược đường dài mà không thể một sớm một chiều, ngay lập tức chuyển đổi toàn bộ.
Do đó, DN đang từng bước bám sát và đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, khách hàng, cũng chính là yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, khi nhu cầu tiêu thụ dệt may trong năm 2023 và cả năm 2024 dự báo sẽ còn thấp, khi các nước tiêu thụ lớn vẫn đang thắt chặt chi tiêu.
Về phía Vinatex, tập đoàn đang tập trung đào tạo nhân sự cho chiến lược phát triển bền vững, thay đổi nhận thức, trang bị những hiểu biết, thông tin cho nhân lực. Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất thử nghiệm đối với mặt hàng phát triển bền vững thực sự sẽ rất tốn kém, song cũng cần cân đối vì phát triển bền vững chắc chắn là mục tiêu nằm trong chiến lược trung và dài hạn. Các giải pháp cũng linh hoạt và đáp ứng theo yêu cầu của thị trường.
Xanh hóa - “Luật chơi” mới trong thương mại với EU Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng không chỉ giới hạn trong một vài thị trường ngách nhỏ, ở các phân khúc cao cấp mà hiện là yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. EU là khu vực dẫn đầu trong việc đưa ra hàng loạt các biện pháp siết chặt các quy định và tiêu chuẩn hiện hành, gia tăng các yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững,… Thỏa thuận Xanh của EU phê duyệt năm 2020 đã tạo nên áp lực lớn cho các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam. Đây được coi là hệ thống quy định về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững bao trùm và liên quan đến các hoạt động thương mại hàng hóa. |