Chuyên nghiệp hóa tổ chức trung gian, tạo sự ổn định lâu dài cho trái phiếu
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Tiếp tục củng cố nền tảng cơ bản

Diễn biến thị trường TPDN cho đến cuối năm 2023 tiếp tục phát đi những tín hiệu lạc quan, thể hiện sự phục hồi niềm tin của nhà đầu tư, cũng như ý thức các doanh nghiệp phát hành đã được nâng cao hơn.

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 12/2023, thị trường đã có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng 245,9 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu nhà đầu tư chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức chiếm 93,2% (trong đó các ngân hàng thương mại chiếm 54,5%), các nhà đầu tư cá nhân mua 6,8%. Khối lượng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn là 230,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cả năm 2022.

Giảm sự lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, là kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường tài chính, bảo đảm hài hòa, cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng…

Động thái phục hồi của thị trường TPDN thể hiện những ảnh hưởng tích cực của nhiều giải pháp đồng bộ về mặt chính sách và điều hành thị trường thời gian qua. Cụ thể, Nghị định 08/2023/NĐ-CP ban hành từ tháng 3/2023 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN.

Đánh giá về vai trò của Nghị định 08, các chuyên gia cho rằng, các nội dung của Nghị định số 08 đã thể hiện sự phản ứng linh hoạt chính sách phù hợp với các điều kiện thực tế của thị trường Việt Nam, nhất là sau biến động mạnh mẽ của thị trường tài chính - tiền tệ thế giới và trong nước, những khó khăn của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và những biến động về địa chính trị. Theo đó, các nội dung tại Nghị định 08 giúp củng cố niềm tin của thị trường, đưa các nhà đầu tư, cũng như đưa các doanh nghiệp phát hành trở lại với thị trường, giúp tiếp tục ổn định và phát triển thị trường một cách minh bạch và bền vững.

Cụ thể, Nghị định số 08 đã đưa ra những điều kiện phù hợp với tình hình thị trường hiện tại, giúp minh bạch hóa các quy định của pháp luật có liên quan. Đặc biệt, nội dung của Nghị định 08 đã tạo điều kiện cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành có thể có những quy định rất rõ ràng về mặt pháp lý để xử lý những vấn đề liên quan phát sinh trong thời gian trước đây.

Thực tế cho thấy, sau khi Nghị định 08 bàn hành, nhiều hoạt động liên quan đến thị trường TPDN đều đã trở lại quỹ đạo ổn định cả ở khâu phát hành, khâu mua lại trước hạn, các thỏa thuận gia hạn trái phiếu… Đây cũng là những yếu tố cho thấy sự linh hoạt trong việc áp dụng chính sách phù hợp với tình hình thực tế.

Vai trò của tổ chức trung gian

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu tái bùng nổ - 1

Trong bối cảnh sự phục hồi ổn định của thị trường, ngoài vai trò của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, thì đối tược được thị trường đặt kỳ vọng là sự tham gia có trách nhiệm và chuyên nghiệp chính là các tổ chức trung gian. Họ là cầu nối quan trọng trong việc kết nối tổ chức phát hành và nhà đầu tư, đặc biệt là với trái phiếu phát hành ở thị trường sơ cấp.

Ông Nguyễn Anh Phong - Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, ngoài nhà đầu tư, các tổ chức phát hành, thì thành phần quan trọng của thị trường là các tổ chức trung gian trên thị trường. Họ là lực lượng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao từ khâu tư vấn phát hành, khâu lưu ký... và các tổ chức này nên phát huy, vượt lên trên cả tuân thủ. “Đây là các đối tượng cần có nhiều kiến thức, có đạo đức nghề nghiệp khi tư vấn, phục vụ các nhà đầu tư, các tổ chức phát hành” - ông Phong nhận định.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính về giải pháp đối với các tổ chức tài chính trung gian trong giai đoạn tới, các tổ chức cung cấp dịch vụ cần có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu. Các tổ chức trung gian cần thông tin rõ cho nhà đầu tư biết sự khác biệt giữa TPDN và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, tuyệt đối không được mời chào nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu.

Đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ. Mục đích nhằm nâng cao chất lượng phát hành của doanh nghiệp phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Kết quả sau kiểm tra sẽ có công bố công khai rộng rãi ra thị trường về các sai phạm nếu có.

ÔNG NGUYỄN HOÀNG DƯƠNG - PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG (BỘ TÀI CHÍNH): Rủi ro liên quan đến trái phiếu là rủi ro gắn với doanh nghiệp phát hành

Chuyên nghiệp hóa tổ chức trung gian, tạo sự ổn định lâu dài cho trái phiếu

Nhà đầu tư cần lưu ý rằng rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có các ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu.

Có thể thấy, việc đồng thời triển khai các giải pháp về cơ chế chính sách, điều hành thị trường và xử lý nghiêm các vi phạm về phát hành TPDN của cơ quan chức năng thời gian qua đã dần ổn định lại thị trường và tăng niềm tin cho nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.

Bộ Tài chính cũng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường TPDN, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Cơ quan quản lý cũng triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành TPDN ra công chúng đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện bên cạnh kênh phát hành riêng lẻ để đa dạng hóa nhà đầu tư.

ÔNG ĐỖ NGỌC QUỲNH - TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VNDIRECT: Thị trường cần sự phát triển nhận thức, kỹ năng của mọi thành phần tham gia

Chuyên nghiệp hóa tổ chức trung gian, tạo sự ổn định lâu dài cho trái phiếu

Sự phát triểh của thị trường TPDN hay bất kỳ thị trường nào cũng là quá trình phát triển nhận thức, kinh nghiệm, kỹ năng của mọi thành phẩn tham gia thị trường chứ không ai tự nhiên biết và lường hết được trước mọi biến số phát sinh.

Nghị định 08 đã hình thành các khuôn khổ pháp lý chính thức hỗ trợ doanh nghiệp chân chính có biện pháp tái cấu trúc nợ trên nguyên tắc thoả thuận tự nguyện với nhà đầu tư để vượt qua giai đoạn khó khăn do các biến động khách quan.

Quy định pháp luật đã đưa các yêu cầu về nâng cao minh bạch, chuyên nghiệp của tổ chức phát hành, tổ chức trung gian tư vấn phát hành, phân phối, kiểm toán, định hạng tín nhiệm… theo hướng tăng trách nhiệm công bố thông tin minh bạch và chuẩn hoá, chuyền nghiệp hoá.

Bên cạnh đó, thị trường phải đảm bảo yếu tố minh bạch, chuyên nghiệp, hiểu biết của các thành phần tham gia thị trường. Trong đó, yếu tố gốc rễ tạo ra sự phát triển bền vững của thị trường cũng từ chất lượng của các doanh nghiệp huy động vốn. Doanh nghiệp phát hành kinh doanh tốt, làm ăn hiệu quả để trả lại lợi nhuận theo cam kết cho các nhà đầu tư là yếu tố quyết định cho chất lượng hàng hóa.