may

Giai đoạn 2017 - 2020, các bộ ngành, địa phương sẽ chuyển về SCIC 68 DN để tiến hành thoái vốn.

Chậm thực hiện hằng năm trời, không ai bị xử lý

Ngày 6/5/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 646/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Tại Điều 2, quyết định này ghi rõ: “Chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về SCIC sau 1 năm khi Vinatex chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần”. Tháng 1/2015, Vinatex chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Nhưng đến nay, cơ quan đại diện chủ sở hữu tại công ty này vẫn là... Bộ Công thương.

Tháng 10/2016, Bộ Công thương họp với SCIC về vấn đề chuyển giao vốn một số DN sau cổ phần hóa về SCIC. Trong 6 DN được hai bên thống nhất chuyển về SCIC lại có Vinatex. Và đến nay, thống kê lại 8 DN chưa được Bộ Công thương bàn giao về SCIC vẫn còn Vinatex. Điều đáng nói là Vinatex không phải trường hợp cá biệt, dù đã có kế hoạch, có chỉ đạo vẫn chậm được bàn giao về SCIC.

Theo dự thảo Danh mục DN thoái vốn mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, giai đoạn 2017 - 2020, các bộ ngành, địa phương sẽ chuyển về SCIC 68 DN để tiến hành thoái vốn. Năm 2017 chuyển về 11 DN, năm 2018 chuyển 48 DN, năm 2019 chuyển 7 DN và năm 2020 chuyển 2 DN. Trong Dự thảo Danh mục thoái vốn, có một số DN lớn như: Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty CP Giao nhận ngoại thương, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5; giao thông 8; Tổng công ty Licogi...

Trong Dự thảo Danh mục thoái vốn, có một số DN lớn như: Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty CP Giao nhận ngoại thương, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5; giao thông 8; Tổng công ty Licogi...

Qua rà soát của Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, hầu hết các doanh nghiệp trong danh mục bán vốn thuộc đối tượng chuyển giao vốn nhà nước về SCIC theo Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 của Chính phủ. Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty đã có công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo việc chuyển giao như: Tổng công ty Thép, các tổng công ty: Sông Hồng, Licogi… Hoặc, một số DN đã được bộ, ngành, UBND các tỉnh thống nhất việc chuyển giao vốn nhà nước về SCIC như: Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam (Bộ Y tế); Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Bộ Giao thông vận tải);… nhưng đến nay tiến độ triển khai chuyển giao chậm.

Như vậy, việc lập danh mục này là cần thiết nhưng rất cần một chế tài mạnh, vì việc chậm trễ thực hiện như đã nói ở trên vẫn chưa thấy ai bị xử lý kỷ luật. Rõ ràng, cần nghiêm khắc với các cơ quan đại diện chủ sở hữu, nếu không việc thoái vốn sẽ chỉ nằm ở giai đoạn: “họp bàn, đang triển khai” và “kế hoạch sau chồng kế hoạch trước”.

Cần giao rõ đầu mối chủ trì

Tham gia ý kiến với Dự thảo danh mục DN thoái vốn, Cục Tài chính DN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương bàn giao DN thuộc đối tượng chuyển giao theo quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP. Các DN này không thuộc diện bộ, ngành, địa phương đang triển khai bán vốn về SCIC để thoái vốn. Trong đó, đối với DN đã có quyết định của cấp có thẩm quyền về quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu (quyết toán vốn lần 2) thì thực hiện bàn giao vốn về SCIC ngay trong quý III/2017. Đối với DN chưa quyết toán vốn lần 2, khẩn trương thực hiện việc quyết toán vốn lần 2 và thực hiện bàn giao vốn về SCIC trong quý IV/2017.

Sở dĩ, việc bàn giao vốn phải thực hiện ngay bởi ngoài việc tiếp nhận các DN từ các bộ, địa phương, SCIC còn phải thực hiện thoái vốn tại 132 doanh nghiệp theo kế hoạch riêng được phê duyệt bởi Quyết định 1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017. Cũng theo quyết định này, SCIC được chủ động thoái vốn ở những DN mới tiếp nhận. Tuy nhiên, nếu các bộ, ngành, địa phương chậm bàn giao và lịch bàn giao không rõ ràng thì sự chủ động được giao cho SCIC sẽ trở thành bị động, nhất là các DN này có quy mô vốn lớn. Theo đó, thời gian thoái vốn giữa DN cũ và DN mới tiếp nhận có thể bị chồng chéo dẫn đến không hiệu quả hoặc bán rẻ vốn nhà nước.

Theo Dự thảo danh mục doanh nghiệp thoái vốn, Bộ Tài chính được giao chủ trì theo dõi, đôn đốc và giám sát tình hình thoái vốn nhà nước và định kỳ hàng quý, năm tổng hợp kết quả thoái vốn trên phạm vi cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, theo Cục Tài chính DN, cần giao luôn Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Đổi mới và Phát triển DN và Bộ Kế hoạc và Đầu tư giám sát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ bộ, ngành, địa phương về SCIC theo quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP, để thống nhất một đầu mối, nâng cao hiệu quả khi thực hiện.

Hà Minh