Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước gắn với hiệu quả, thực chất

PV: Xin ông cho biết khái quát về những điểm mới, nội dung nổi bật của đề án?

Ông Đặng Quyết Tiến: Điểm nhấn đầu tiên của Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là khẳng định việc cơ cấu lại DNNN là việc làm tổng thể với các giải pháp, chứ không chỉ cổ phần hóa (CPH). Cơ cấu lại gồm các giải pháp CPH, thoái vốn, các giải pháp nâng cao hiệu quả, sắp xếp lại DNNN, cho phá sản những DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài không khắc phục được.

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước gắn với hiệu quả, thực chất
Ông Đặng Quyết Tiến

Thứ hai, đề án này cụ thể hóa hơn, rõ hơn Nghị quyết Hội nghị trung ương 5 khóa 12 về cơ cấu lại DNNN. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII khẳng định: DNNN vẫn là lực lượng vật chất kinh tế quan trọng của kinh tế nhà nước và việc cơ cấu lại được xác định trong đề án lần này vẫn yêu cầu có trọng tâm trọng điểm, vẫn phải duy trì được những DN mang tính nòng cốt; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần nâng cao năng lực cạnh của DN Việt Nam trong những ngành nghề, lĩnh vực mà khu vực DNNN vẫn đang làm tốt, như chuyển đổi số, viễn thông, khai khoáng…

Điểm nhấn thứ ba của đề án này là, trước đây cổ phần hóa và thoái vốn còn được hiểu là bán bớt vốn nhà nước đi, thu tiền về, là chuyển đổi hết để thu gọn DNNN lại. Nhưng tại đề án này, việc thu gọn DNNN được xác định là thu gọn có trọng tâm trọng điểm, giữ lại những DN nòng cốt và có những chính sách hỗ trợ DN đó. Vừa qua, khi khủng hoảng về dịch bệnh xảy ra, chúng ta thấy rõ khu vực DNNN vẫn là trụ cột của nền kinh tế, có vị trí rất quan trọng trong việc ổn định vĩ mô, an sinh xã hội.

Trước đây, có lúc chúng ta nói Nhà nước hạn chế đầu tư, không đầu tư vào DNNN nữa. Nhưng giờ khi đã cơ cấu lại, với những DNNN đã giữ lại thì cần phải đầu tư, hỗ trợ để DN đó phát triển lớn hơn.

Việc cơ cấu lại trong giai đoạn này cũng kiên quyết CPH, thoái vốn những DN không thuộc trọng tâm cần nắm giữ, tập trung xử lý những DN yếu kém, thua lỗ.

PV: Như vậy, có thể nói mục tiêu cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn này sẽ chú trọng tính hiệu quả, thực chất thay vì CPH mang tính hình thức, số lượng?

Ông Đặng Quyết Tiến: Đúng vậy, mục tiêu của tái cơ cấu DNNN và CPH lần này là tái cơ cấu thực chất, sau CPH phải hoạt động tốt hơn, chứ không phải là CPH bằng mọi giá.

Vừa qua chúng ta đã thí điểm CPH Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). CPH xong, DN này kinh doanh thua lỗ, không còn phát huy được vai trò là một công ty lương thực góp phần đảm bảo cung cầu lương thực ở phía Nam như trước. Đây cũng là một bài học. DN CPH xong thì phải hoạt động hiệu quả hơn ở lĩnh vực chính của mình chứ không phải biến thành công ty bất động sản.

Quan điểm của Chính phủ trong đề án tái cơ cấu DNNN lần này rất rõ, là phải rõ ràng, minh bạch, CPH và thoái vốn nhà nước tại DN bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, không làm mất thương hiệu, bản sắc DN.

Một điểm nhấn nữa trong đề án này là hoàn thiện chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho DN nhưng gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực.

Trong đó sẽ tách chức năng quản trị, điều hành của DN với chức năng quản lý của chủ sở hữu. Hiện thì chủ sở hữu vẫn can thiệp vào chức năng của DN. Chủ sở hữu vốn nhà nước là nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ quan tâm đến hiệu quả đồng vốn bỏ ra chứ nếu can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thì sẽ thành cản trở.

Đồng thời, đề án cũng đề ra cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại DNNN, CPH, thoái vốn, tăng cường sự giám sát của cộng đồng, của xã hội.

PV: Để thực hiện các mục tiêu này, đề án đưa ra những giải pháp gì cụ thể, thưa ông?

Ông Đặng Quyết Tiến: Đề án đã nêu rõ các nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên là hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo sự đồng bộ giữa các văn bản pháp luật. Bao gồm, việc sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, đề án bổ sung, hoàn thiện những chính sách để thúc đẩy sự hợp tác giữa các DN, giữa DN với các nhà đầu tư khác, đổi mới quản trị DN, đổi mới cơ chế tiền lương để tạo động lực. Hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ xuyên suốt không chỉ cho giai đoạn đến 2025 mà còn có thể lâu hơn nữa.

Chính phủ nêu rõ đầu bài cho DNNN là phải phát triển theo chuỗi, giữ vai trò dẫn dắt, tạo ra hệ sinh thái để các thành phần kinh tế phát triển chứ không phải là “sân sau”, là “nhóm lợi ích”.

Với đầu bài như vậy thì phải có cơ chế để DNNN chuyển mình, đi đầu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh. Trong đó, sẽ phải thay đổi cơ chế về tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý DNNN theo nguyên tắc thị trường, gắn với tốc độ tăng năng suất lao động và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Nếu giữ bảng lương cứng như trước, DN thua lỗ cũng hưởng lương như DN làm ra cả nghìn tỷ thì DNNN sẽ chỉ đi ngang. Để giữ được đội ngũ cán bộ có năng lực, nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì cơ chế tiền lương phải thay đổi.

Về cơ chế quản lý, cũng phải có sự phân cấp mạnh hơn trên cơ sở tổng kết mô hình của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, xác định rõ vai trò của ủy ban ở đâu để tránh thành một cấp trung gian, thêm đầu việc, ảnh hưởng đến hoạt động của DN.

Một giải pháp trọng tâm là đổi mới về quản trị DN và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý. Nguồn lực của DNNN bên cạnh tài sản và các vật chất hiện hữu như vốn, đất đai, dây chuyền sản xuất thì còn nguồn lực rất quan trọng là nhân lực. Chúng ta đã có đội ngũ nhân lực trình độ cao, trong các ngành nghề quan trọng mang tính tự động hóa và công nghiệp hóa cao như viễn thông, dầu khí, hàng không… Chúng ta phải giữ được và phát huy được nguồn lực này.

Muốn vậy, phải thay đổi quản trị DN, xây dựng quy trình quy chế đảm bảo công khai minh bạch và có tiêu chí đánh giá sát thực để đảm bảo đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có chuyên môn có đất để đổi mới, để phát triển.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn mang tính hình thức

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước diễn ra ngày 24/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh những kết quả được, một trong những tồn tại, hạn chế của tái cơ cấu

doanh nghiệp nhà nước giai đoạn vừa qua là vẫn mang tính hình thức; mới chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn, mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao.

Việc nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước theo chuẩn mực quốc tế chưa ghi nhận được kết quả đáng kể. Trình độ quản trị của doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam vẫn còn rất thấp so với chuẩn mực quốc tế. Các tổng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước chủ yếu thông qua cơ chế bổ nhiệm theo quy hoạch; mức lương và các chế độ đãi ngộ khác chưa gắn với hiệu quả công việc.