Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hoá Khung pháp lý rõ ràng sẽ giúp Việt Nam phát triển thị trường tài sản mã hóa Việt Nam nên làm gì để xây dựng chính sách thuế cho tài sản mã hóa?

Xoay quanh câu chuyện Bộ Tài chính triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hoá tại Việt Nam và xây dựng khung pháp lý quản lý loại tài sản này tại Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Bảo Nguyên - Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ số SSI (SSI Digital - SSID).

PV: Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thử nghiệm và triển khai các mô hình quản lý tài sản mã hóa với những mức độ thành công khác nhau. Ông có thể chia sẻ về một số kinh nghiệm tiêu biểu? Đâu là những bài học quan trọng mà Việt Nam có thể tham khảo để xây dựng khung pháp lý hiệu quả, hạn chế rủi ro khi chúng ta là nước đi sau?

Ông Lê Bảo Nguyên: Nhiều quốc gia đã tiên phong trong quản lý tài sản mã hóa và có những bài học đáng chú ý. Liên minh châu Âu với Đạo luật MiCA đã thiết lập khung pháp lý toàn diện, yêu cầu sàn giao dịch và nhà phát hành đăng ký, minh bạch thông tin và tuân thủ nghiêm ngặt quy định chống rửa tiền nhằm bảo vệ nhà đầu tư và ổn định thị trường. Singapore áp dụng mô hình sandbox kết hợp cấp phép chặt chẽ từ Cơ quan tiền tệ, vừa hỗ trợ đổi mới, vừa kiểm soát rủi ro cho hệ thống.

Cơ chế liên ngành là chìa khoá để quản lý tài sản mã hóa an toàn và hiệu quả tại Việt Nam
Ông Lê Bảo Nguyên

Thị trường tài sản mã hóa đã tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua, với giá trị vốn hóa đạt gần 3.000 tỷ USD tính đến tháng 3/2025. Sự bứt phá này nhờ vào công nghệ blockchain với các ưu điểm như minh bạch, phi tập trung và giao dịch xuyên biên giới, thu hút cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức. Trước sự phát triển đó, cơ quan quản lý toàn cầu cũng ngày càng chú trọng xây dựng khung pháp lý phù hợp.

Trong khi đó, Trung Quốc lại cấm hoàn toàn giao dịch tài sản mã hóa tư nhân để phát triển tiền số quốc gia (CBDC), nhưng cách tiếp cận này khó phù hợp với Việt Nam - nơi nhu cầu giao dịch tài sản mã hóa thuộc top 10 toàn cầu. Vụ sụp đổ của sàn FTX với thiệt hại 8 tỷ USD cũng cho thấy sự cần thiết của việc giám sát chặt và bảo vệ nhà đầu tư.

Từ đó, tôi nghĩ Việt Nam nên tham khảo cách làm của Singapore về thí điểm qua sandbox để kiểm nghiệm mô hình và chính sách; học EU về yêu cầu minh bạch, xác minh danh tính, báo cáo giao dịch đáng ngờ để chống rửa tiền; đồng thời rút kinh nghiệm từ FTX để xây dựng cơ chế bảo vệ nhà đầu tư trước rủi ro hệ thống. Là nước đi sau, Việt Nam có cơ hội học hỏi để hoàn thiện khung pháp lý hiệu quả hơn.

PV: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa. Ông đánh giá thế nào về chủ trương triển khai thí điểm trước khi có khung pháp lý hoàn chỉnh? Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, chúng ta nên tập trung vào những yếu tố nào để quá trình thí điểm đạt hiệu quả cao nhất?

Ông Lê Bảo Nguyên: Tôi cho rằng việc thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa trước khi có khung pháp lý hoàn chỉnh là bước đi hợp lý và thực tế trong bối cảnh hiện nay.

Thị trường này phát triển quá nhanh, nếu chậm trễ, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội tham gia xu hướng toàn cầu và để dòng vốn chảy ra nước ngoài. Việc thí điểm cũng giúp cơ quan quản lý thu thập dữ liệu thực tế, hiểu rõ hơn về bản chất, rủi ro và tiềm năng của tài sản mã hóa để từ đó xây dựng chính sách phù hợp - một cách tiếp cận mà nhiều nước như Singapore và UAE đã áp dụng thành công.

Để thí điểm hiệu quả, tôi nghĩ Việt Nam cần giới hạn quy mô thử nghiệm, chọn các doanh nghiệp uy tín nhằm dễ kiểm soát và giảm rủi ro. Đồng thời, cần ứng dụng công nghệ như blockchain và phân tích dữ liệu để giám sát giao dịch theo thời gian thực, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm.

Cơ chế liên ngành là chìa khoá để quản lý tài sản mã hóa an toàn và hiệu quả tại Việt Nam

Thị trường tài sản mã hóa phát triển không ngừng, ngày càng đa dạng và phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, hợp tác liên ngành là yếu tố không thể thiếu, cần có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an để xử lý tốt các vấn đề pháp lý, tài chính và an ninh. Cuối cùng, cần đẩy mạnh truyền thông, đào tạo cho nhà đầu tư và đội ngũ vận hành, đồng thời xây dựng lộ trình thí điểm rõ ràng với các mốc đánh giá định kỳ để điều chỉnh kịp thời.

PV: Tài sản mã hóa không chỉ mang lại cơ hội mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo ông, Việt Nam cần xây dựng cơ chế quản lý liên ngành như thế nào để vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính - tiền tệ, vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư? Vai trò của các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các tổ chức liên quan nên được định hình ra sao?

Ông Lê Bảo Nguyên: Tài sản mã hóa đúng là mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm với những rủi ro không nhỏ như biến động giá, rửa tiền, gian lận tài chính... Vì vậy, tôi nghĩ một cơ chế quản lý liên ngành là yếu tố then chốt để Việt Nam có thể cân bằng giữa đổi mới và an toàn. Chúng ta cần xây dựng một hệ thống phối hợp chặt chẽ, trong đó trách nhiệm của từng cơ quan được phân định rõ ràng nhưng vẫn đảm bảo chia sẻ thông tin kịp thời.

Việc ứng dụng công nghệ như blockchain hay AI để giám sát giao dịch theo thời gian thực cũng rất quan trọng, giúp giảm áp lực quản lý thủ công. Tôi cũng cho rằng, cần có chính sách thuế cụ thể cho tài sản mã hóa như thuế thu nhập, để tăng tính minh bạch và tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Về vai trò của các cơ quan, theo tôi, Bộ Tài chính đóng vai trò chủ trì, chịu trách nhiệm xây dựng khung pháp lý, cấp phép và giám sát các sàn giao dịch, đồng thời bảo vệ nhà đầu tư thông qua các quy định minh bạch và kiểm toán định kỳ. Bộ Công an phụ trách phòng chống tội phạm tài chính, giám sát tuân thủ KYC/AML và xử lý sàn trái phép.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò trung tâm trong việc giám sát tác động của tài sản mã hóa đến hệ thống tiền tệ, đảm bảo không ảnh hưởng đến chính sách lãi suất hay tỷ giá, đồng thời có thể nghiên cứu phát triển CBDC để tiếp cận sâu hơn với tài sản mã hóa.

Ngoài ra, các tổ chức liên quan như các học viện và các hiệp hội sẽ hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, đào tạo nhân lực và kết nối với cộng đồng quốc tế. Cơ chế này cần được thử nghiệm trong giai đoạn thí điểm để hoàn thiện trước khi áp dụng rộng rãi.

PV: Xin cảm ơn ông!