Biểu đồ tư liệu

Biểu đồ tư liệu

Số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tổng doanh thu phí BH toàn thị trường năm 2020 đạt 186.221 tỷ đồng (xấp xỉ 8 tỷ USD), tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt doanh thu 55.664 tỷ đồng, tăng 5,3%; thị trường bảo hiểm nhân thọ đạt doanh thu 130.557 tỷ đồng, tăng 22%.

Với những bài học kinh nghiệm từ việc ứng phó tốt với các đợt bùng phát năm 2020, bước sang năm 2021 mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tuy nhiên các doanh nghiệp BH, đặc biệt là các doanh nghiệp BH phi nhân thọ đã kịp thời xây dựng kịch bản để thích ứng trong bối cảnh mới; đồng thời đẩy mạnh phát triển sản phẩm, kênh phân phối, dịch vụ khách hàng và ứng dụng công nghệ số... Đại diện các doanh nghiệp BH lạc quan chia sẻ và kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường BH năm 2021.

* Ông Phạm Anh Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI:
Tiếp tục xây dựng nền tảng vững vàng ngay trong đại dịch

Ông Phạm Anh Đức
Ông Phạm Anh Đức

Có thể thấy trong bối cảnh dịch bệnh, ngành BH Việt Nam năm 2020 vẫn giữ được nhịp tăng trưởng. Yếu tố đầu tiên của sự tăng trưởng này đó là ngành BH đã áp dụng sớm, ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiều hoạt động kinh doanh. Vì vậy khi tâm lý e ngại tiếp xúc trực tiếp và những quy định hạn chế hoạt động xã hội xuất hiện do dịch bệnh thì ngành BH đã nhanh nhạy chuyển động kênh phân phối sang các nền tảng thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến để thay thế và bổ trợ cho các kênh bán hàng truyền thống. Giải pháp này giúp các doanh nghiệp BH đã không bị đứt gãy kinh doanh, thậm chí còn là cơ hội để tăng trưởng, phát triển.

Yếu tố tiếp theo là các doanh nghiệp BH đã nhanh nhạy xây dựng các sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của xã hội trong điều kiện “bình thường mới”. Đó có thể là các sản phẩm doanh nghiệp BH tự triển khai, hoặc các sản phẩm hợp tác với các đối tác cũng có thế mạnh về công nghệ thông tin như ngân hàng, nhà mạng di động, các sàn thương mại điện tử.

Yếu tố nữa tác động tới kết quả năm 2020 là ý thức của khách hàng. Góc nhìn của người dân và toàn xã hội về BH đã có thay đổi đáng kể và theo hướng tích cực. Khi nhìn nhận của xã hội về vai trò, sự thiết yếu của BH tốt lên, mọi người đã có ý thức và chủ động tìm kiếm cho bản thân và gia đình, doanh nghiệp những sản phẩm BH phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và kinh doanh.

Các yếu tố kể trên vẫn sẽ tiếp tục được coi là cơ hội để các doanh nghiệp BH tận dụng nhằm duy trì, phát triển kinh doanh trong cả năm 2021 với hy vọng sẽ giữ được đà tăng trưởng như năm 2020.

Tuy nhiên, muốn phát triển ổn định và bền vững trong và sau đại dịch, các doanh nghiệp BH cần chú trọng nhiều hơn nữa đến việc cân đối cả 2 chỉ tiêu sống còn, đó là doanh thu và hiệu quả. Đặc biệt với xu thế các nhà đầu tư (cả nước ngoài và trong nước) tham gia ngày càng sâu vào lĩnh vực BH, cùng với đó là tỷ trọng vốn nhà nước giảm xuống thì chỉ tiêu kinh doanh có hiệu quả sẽ là yêu cầu hàng đầu từ các nhà đầu tư. Trạng thái “bình thường mới” có thể là dịp để tăng doanh thu từ một số nghiệp vụ bảo hiểm. Nhưng nếu không quan tâm tới chỉ tiêu hiệu quả, thì trong tương lai, doanh nghiệp sẽ không nhận được quả ngọt từ doanh thu này.

Đối với riêng Bảo hiểm PVI, chúng tôi vừa chủ động tận dụng các cơ hội của thị trường, ứng phó các thách thức, vừa kiên trì thực hiện chiến lược kinh doanh “tăng trưởng gắn liền với hiệu quả” đã được triển khai 2 năm qua. Như vậy, các chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 sẽ được hoàn thành đúng kế hoạch, đồng thời Bảo hiểm PVI tiếp tục xây dựng nền tảng vững vàng ngay trong đại dịch để khi kết thúc giai đoạn này, chúng tôi sẽ sẵn sàng bứt tốc hoàn thành mục tiêu dài hạn là trở thành doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

* Bà Lê Thị Hà Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI):
Covid-19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội

Bà Lê Thị Hà Thanh
Bà Lê Thị Hà Thanh

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới và đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, đẩy nhiều nước rơi vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế.

Về kinh tế, hầu hết các quốc gia rơi vào suy thoái nghiêm trọng, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm mạnh, trong đó có Việt Nam. Năm 2020 vừa qua tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới là vô cùng nặng nề: hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, đặc biệt các lĩnh vực như: hàng không, du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống, y tế… Sự gián đoạn về sản xuất, lưu thông hàng hóa khiến nhiều doanh nghiệp lao đao thậm chí phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể.

Tại Việt Nam, dịch bệnh bùng phát và lan ra nhiều tỉnh, thành, ảnh hưởng đến đời sống người dân, cũng như tình hình kinh doanh của VNI. Tuy nhiên, ban lãnh đạo VNI luôn sâu sát, quan tâm, chia sẻ, động viên, chỉ đạo kịp thời cùng những quyết sách, giải pháp hỗ trợ đơn vị vượt qua khó khăn như: đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác bán chéo sản phẩm offline và online, ứng dụng văn phòng số trên toàn hệ thống, cấp giấy chứng nhận BH điện tử, chữ ký số, thực hiện giám định, bồi thường online (My VNI) rút ngắn thời gian bồi thường cho khách hàng. Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 tái bùng phát nhiều lần, VNI vẫn tăng trưởng bền bỉ, tính đến hết quý I/2021, doanh thu tăng trưởng hơn 35% so với cùng kỳ, đưa VNI lọt Top 10 doanh nghiệp BH phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam.

Có thể nói, Covid-19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội khi là bước đệm để các doanh nghiệp tìm được cách đi khác, hay nói chính xác là tìm ra thị trường ngách để vượt qua, biến thách thức thành cơ hội. Covid-19 góp phần không nhỏ trong việc thay đổi tư duy, nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng và ý nghĩa của BH. Người dân đã chủ động hơn trong việc tiếp cận và tham gia các dịch vụ BH, đây chính là cơ hội để ngành BH tiếp tục tăng trưởng và phát triển hơn trong thời gian tới.

Năm 2021, VNI đặt mục tiêu nằm trong Top 10 về thị phần BH phi nhân thọ và tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh thu BH trên 40%. Nhiều gói giải pháp sẽ triển khai như: mở rộng mạng lưới đơn vị thành viên; đầu tư công nghệ thông tin, tăng cường công tác quản lý; tăng cường hợp tác các đối tác nhằm mở rộng kênh bán hàng và phục vụ sau bán hàng hướng tới mang lại cho khách hàng các sản phẩm BH chất lượng tốt nhất.

* Ông Đoàn Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI):
Thị trường vẫn có rất nhiều cơ hội cho hoạt động đầu tư

Ông Đoàn Kiên
Ông Đoàn Kiên

Nếu như đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến cho thị trường BH bất ngờ và phải mất một thời gian dài để thích ứng thì trong năm 2021, đa phần các doanh nghiệp đã có các phương án triển khai khi dịch bệnh tiếp tục tác động đến hoạt động kinh doanh. Số liệu mới nhất của Hiệp hội BH Việt Nam cho thấy, trong quý I/2021, tổng doanh thu phí BH thị trường phi nhân thọ đạt 14.884 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm 2020, có thể thấy những giải pháp và nỗ lực của doanh nghiệp BH đã mang lại hiệu quả.

Tại PTI, chúng tôi xác định dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường. Do đó trong năm 2021, PTI tập trung phát triển công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi hơn cho khách hàng, đơn giản hóa các thủ tục và quy trình làm việc, giúp khách hàng có thể làm việc với PTI mà không cần phải tiếp xúc. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đa dạng các hình thức, các kênh bán hàng online để khách hàng có thể mua hàng bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào mà không cần gặp trực tiếp tư vấn viên. Trong quy trình giám định và bồi thường, công nghệ cũng sẽ được ứng dụng để khách hàng có thể gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường và chủ động quay/chụp hình giám định (đối với những vụ nhỏ) mà không cần phải đến PTI.

Dịch bệnh cũng khiến cho nhu cầu mua BH chăm sóc sức khỏe tăng cao đột biến, tăng 25% trong năm 2020. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp BH khai thác các sản phẩm thuộc nghiệp vụ này.

Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp BH thường duy trì tỉ trọng đầu tư vào lãi suất tiền gửi là từ 70 – 80%. Do đó, việc giảm mặt bằng lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp BH. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, các doanh nghiệp BH đã lường trước được những cơ hội và khó khăn và đã đưa ra các phương án triển khai cụ thể.

Tôi nghĩ thị trường vẫn có rất nhiều cơ hội cho hoạt động đầu tư trong năm 2021. Nền kinh tế của Việt Nam và thế giới đang dần phục hồi nhờ các chính sách chống dịch hiệu quả của các Chính phủ. Các hoạt động đầu tư khác cũng đang có nhiều tiềm năng phát triển. Chẳng hạn như trái phiếu doanh nghiệp đang có mức lãi suất cao khoảng 9 - 10%/năm, cao hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất khoảng 5 - 6%/năm của tiền gửi ngân hàng. Hay như thị trường chứng khoán sẽ có nhiều tiềm năng phát triển khi nhiều chuyên gia dự báo chỉ số VN - Index sẽ đạt 1.500 điểm vào cuối năm. Bất động sản cũng dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh vào nửa cuối năm…

Tuy nhiên, tùy vào định hướng và “khẩu vị” đầu tư khác nhau của mỗi doanh nghiệp mà họ lựa chọn những kênh đầu tư tài chính nào. Ví dụ như tại PTI, chúng tôi tập trung nhiều vào các kênh đầu tư có lãi suất cố định (trái phiếu ngân hàng, tiền gửi ngân hàng). Mặc dù điều này khiến cho lợi nhuận từ hoạt động đầu tư năm 2021 của PTI sẽ không cao nhưng đổi lại, PTI luôn giữ được an toàn của nguồn vốn đầu tư, biên khả năng thanh toán cao và đảm bảo thanh toán đủ, kịp thời quyền lợi của các khách hàng khi phát sinh bồi thường bảo hiểm.

(Nguồn: Đặc san Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 2021)

Hà Phan (thực hiện)