Ảnh hưởng nặng từ cổ phiếu lớn

Cuối tuần qua thị trường đón nhận vài thông tin hỗ trợ từ cơ quan quản lý, như sẽ cung cấp lại số liệu giao dịch tự doanh, thay đổi cách tính giá đáo hạn phái sinh... Ngay từ đầu phiên sáng nay, VN-Index đã nhảy tăng hơn 2%, lúc cao nhất tăng 2,81% so với tham chiếu. Đáng tiếc đến cuối ngày, chỉ số lại giảm xuống dưới tham chiếu 0,91%.

Diễn biến của chỉ số như vậy thể hiện một phiên giao dịch khá xấu. Tuy vậy chỉ số không phản ánh hết được diễn biến thị trường. Đúng là sức ép xuất hiện khi giá phục hồi, sau đó nhiều cổ phiếu trượt giảm. Tuy nhiên không phải thị trường bị bán tháo đến mức đảo chiều chỉ số mạnh như vậy.

Cổ phiếu lớn phục hồi bất thành, VN-Index tiếp tục trượt sâu
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Nhịp trượt dốc cuối phiên hôm nay có bóng dáng của các cổ phiếu vốn hóa lớn. VHM lao dốc cực mạnh đến phút cuối cùng của đợt khớp lệnh liên tục, giảm tới 5,15% trước khi hồi lại và còn giảm 3,24% đợt đóng cửa. GAS đầu phiên tăng rất tốt 3,6% nhưng hết phiên giảm tới 5%. MSN thậm chí đóng cửa ở giá sàn. Đó là chưa kể TCB giảm 3,55%, VIC giảm 1,28%. Đây toàn là các cổ phiếu vốn hóa rất lớn.

Thống kê cho thấy chỉ 6 cổ phiếu giảm đáng kể nhất trong nhóm vốn hóa lớn là VHM, GAS, MSN, TCB, BCM, VIC đã chiếm gần hết mức giảm 10,82 điểm của VN-Index ngày hôm nay. Điều đó nghĩa là hàng trăm cổ phiếu còn lại giằng co bù trừ cho nhau.

Một điểm cũng đáng chú ý, là tuy các chỉ số đều đóng cửa dưới tham chiếu, nhưng cổ phiếu thực ra là phân hóa tích cực. Ví dụ sàn HoSE còn có 232 cổ phiếu tăng giá và 224 cổ phiếu giảm giá, tương quan rất cân bằng chứ không xấu. Phân hóa là biểu hiện đầu tiên của sự chọn lọc từ dòng tiền.

Lấy ví dụ nhóm cổ phiếu ngân hàng, TCB giảm sâu, STB thậm chí sàn, SHB cũng mất điểm, nhưng loạt mã khác thậm chí tăng trên 1% như TPB, CTG, MBB, VCB, HDB, BID, LPB. GAS giảm mạnh nhưng cả loạt cổ phiếu dầu khí khác vẫn tốt, trong đó PVS, PVC kịch trần. Nói chung các nhóm cổ phiếu đều có mã tăng mã giảm khác nhau dù cùng ngành. Rất có thể dòng tiền đang chọn lọc địa chỉ mua, chứ không còn cảnh bán tống bán tháo mọi thứ đi nữa.

Tín hiệu về dòng tiền

Phiên hôm nay vẫn chứng kiến mức thanh khoản rất chậm. HoSE và HNX chỉ giao dịch khớp lệnh thành công 15,2 ngàn tỷ đồng, HoSE khớp 13,75 ngàn tỷ. Đây vẫn là con số khá nhỏ.

Tuy vậy điều đó không có nghĩa là thị trường yếu ớt. Trong bối cảnh dòng tiền chung còn quá thận trọng, chỉ có cổ phiếu riêng lẻ là thay đổi chậm rãi. Lấy ví dụ, nhóm cổ phiếu chứng khoán hôm nay hút tiền vẫn tốt hơn cả. Loạt mã tăng giá cao mà khối lượng giao dịch lớn có thể kể tới như SSI tăng 52% khối lượng so với trung bình 20 phiên, giá tăng 5,81%; HCM tăng 32% khối lượng so với trung bình, giá tăng 6,82%. Cổ phiếu ngân hàng tổng thể giảm giao dịch khoảng 22% so với phiên trước, nhưng TCB, CTG, VCB vẫn có thanh khoản cao hơn bình quân.

Tín hiệu khá mờ nhạt về thanh khoản chỉ phát đi từ các cổ phiếu cụ thể, cho thấy vẫn đang có hành động tích lũy cổ phiếu bền bỉ. Thị trường còn xấu nếu nhìn vào chỉ số VN-Index, do đó chưa thể đến đoạn dòng tiền ầm ầm lao vào giao dịch. Hiện mới chỉ có các nhà đầu tư đủ tự tin để bắt đáy dần, nên thanh khoản còn thấp, nay giảm mai tăng. Đó cũng là đặc trưng của thanh khoản ở thời điểm nhà đầu tư giá trị nhập cuộc trước khi nhà đầu cơ lên sàn diễn.

Dĩ nhiên cuối cùng thì thị trường cũng phải dựa vào dòng tiền mạnh để thay đổi xu hướng giảm hiện tại. Quá trình tích lũy cổ phiếu dài hạn không thể nhanh được, nên chưa thể sớm đảo chiều xu hướng. Dù vậy khi đã tạo được sự phân hóa về giám nghĩa là nhiều cổ phiếu bắt đầu đạt đến điểm giá được quan tâm cả từ phía mua lẫn phía bán.

Cổ phiếu lớn phục hồi bất thành, VN-Index tiếp tục trượt sâu

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

13.753 đồng (-25%)

551,4 triệu (-25%)

1.468 tỷ đồng (-23%)

74,1 triệu (-27%)