Khó khăn vẫn “bủa vây”

So với vùng đỉnh, hầu hết các cổ phiếu thép hiện đã bị "thổi bay" toàn bộ thành quả tăng giá trong cả năm 2021 khi giảm khoảng 70 - 80%, thị giá rơi xuống vùng đáy 2 năm. Điều này được cho có nguyên nhân không nhỏ từ tình hình kinh doanh ảm đạm của nhóm ngành thép, trong bối cảnh giá thép quay đầu giảm mạnh kể từ mức đỉnh hồi quý III / 2021, nhưng áp lực nguyên liệu đầu vào vẫn neo ở vùng giá cao.

Theo phân tích của các công ty chứng khoán, ngành thép còn nhiều khó khăn do nhu cầu trong những tháng tới vẫn sẽ thấp và cạnh tranh gay gắt với thép giá rẻ của Trung Quốc. Trong quý III năm nay, các doanh nghiệp thép như Tập đoàn Hòa Phát (mã ck: HPG), Tập đoàn Hoa Sen (mã ck: HSG), Thép Nam Kim (mã ck: NKG) hay Tổng công ty Thép Việt Nam (mã ck: TVN),… đều ghi nhận thua lỗ cao kỷ lục do nhu cầu yếu, giá bán giảm, nguyên liệu đắt đỏ và chi phí tài chính lên cao.

Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam. Đồ họa: Thế Dương

Báo cáo về triển vọng ngành thép do SSI Research công bố mới đây cho thấy, nhu cầu có thể tiếp tục suy yếu ở cả kênh xuất khẩu và nội địa. Theo Hiệp hội Thép thế giới, nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm 2,3% vào năm 2022 trước khi phục hồi nhẹ 1% vào năm 2023. Nhu cầu tại thị trường EU, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, dự kiến sẽ giảm thêm 1,3% vào năm 2023. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ dự kiến sẽ giảm xuống 1,6%, từ mức 2,1% vào năm 2022.

Tại thị trường trong nước, nhu cầu thép dẹt ít phụ thuộc vào thị trường bất động sản hơn so với thép xây dựng, do tỷ trọng từ kênh dân dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tại thị trường dân dụng trong ngắn hạn vẫn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lãi suất cao và suy thoái kinh tế nói chung.

Giá thép có thể ổn định nhờ diễn biến giá thép tại thị trường Trung Quốc. Giá thép trung bình tại Trung Quốc gần đây đã phục hồi khoảng 10% so với mức đáy vào cuối tháng 10. Điều này đến từ sự hỗ trợ của chính phủ nước này đối với thị trường bất động sản và lượng thép tồn kho của Trung Quốc giảm 50% so với mức đỉnh hồi tháng 3. Tuy nhiên, giá thép khó có thể tiếp tục phục hồi đáng kể hơn do nhu cầu toàn cầu còn yếu. Ngoài ra, nhu cầu yếu hơn và mức dư cung cao ở thị trường trong nước có thể gây áp lực lên giá bán của các nhà sản xuất Việt Nam.

Chờ đợi chu kỳ phục hồi

Có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng ngành thép trong tương lai, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, lạm phát thấp hơn từ giữa năm 2023 sẽ khuyến khích nhu cầu tôn mạ toàn cầu, hỗ trợ sản lượng xuất khẩu nhích lên. Nhu cầu tại thị trường trong nước sẽ được hỗ trợ bởi giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn vào năm 2023 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giá cổ phiếu ngành thép đã điều chỉnh giảm trước khi giá thép suy giảm, điều đó hàm ý rằng thị trường luôn phản ứng trước triển vọng ngành. Khi những thông tin tiêu cực đã được chiết khấu phần lớn vào giá cổ phiếu thì có nhiều lý do để kỳ vọng đây là thời điểm vàng để tích lũy cổ phiếu ngành thép. Các chuyên gia cho rằng, câu chuyện của nhóm ngành thép đều hướng tới triển vọng trong dài hạn đến từ việc mở rộng nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp.

Trong ngắn hạn, nhóm thép đang phải chịu một số rủi ro về giá nguyên liệu đầu vào ở ngưỡng cao. Do đó các nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư dài hạn đổi với cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng phát triển mạnh trong tương lai. Tuy nhiên những rủi ro giảm giá trong ngắn hạn vẫn còn vì chu kỳ của nhóm cổ phiếu thép vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh. Nhà đầu tư có thể lựa chọn chiến lược đầu tư tích sản ở vùng giá thấp, quan sát chu kỳ của cổ phiếu, lựa chọn thời điểm thích hợp để giải ngân từng phần.

Nhu cầu có thể tiếp tục suy yếu

Báo cáo về triển vọng ngành thép do SSI Research công bố mới đây cho thấy, nhu cầu có thể tiếp tục suy yếu ở cả kênh xuất khẩu và nội địa. Theo Hiệp hội Thép thế giới, nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm 2,3% vào năm 2022 trước khi phục hồi nhẹ 1% vào năm 2023. Nhu cầu tại thị trường EU, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, dự kiến sẽ giảm thêm 1,3% vào năm 2023. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ dự kiến sẽ giảm xuống 1,6%, từ mức 2,1% vào năm 2022.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phan Khánh Linh - nhà sáng lập Công ty Tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam, cho rằng ngành thép đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ngay cả những “ông lớn” như Hòa Phát cũng phải đóng lò cao, giảm công suất... Áp lực với ngành thép là cực kỳ lớn, tuy nhiên trong trung và dài hạn ngành thép vẫn có triển vọng tốt. Thép là ngành mang tính chu kỳ, hiện tại đang ở chu kỳ xuống nhưng trong tương lai sẽ có giai đoạn quay lại chu kỳ rực rỡ.

Ông Linh cho biết thêm, xu hướng của ngành thép bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn cung thép ở Trung Quốc (chiếm hơn 40% thị phần thế giới), nếu nguồn cung thép từ Trung Quốc giảm đi do chính sách giảm các nhà máy sản xuất thép thì khi đó Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như những thị trường mà Trung Quốc xuất khẩu.

“Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, do đó phần nào ảnh hưởng tới cầu tiêu thụ của ngành thép. Tuy nhiên khi nhu cầu xây dựng bất động sản quay trở lại, cầu tiêu thụ sẽ tăng. Trong trung và dài hạn Việt Nam là nước đang phát triển cần xây dựng nhiều, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi thì ngành thép cũng sẽ là ngành được hưởng lợi” - ông Linh nói.