Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực sản xuất của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Lực lượng Hải quan triển khai nhiều giải pháp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn, xử lý các vi phạm này.

Cơ quan hải quan ngăn chặn gian lận hàng quá cảnh vi phạm sở hữu trí tuệ
Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra lô hàng quá cảnh, tạm nhập tái xuất vì nghi vấn gian lận. Ảnh: TL.

Phương thức, thủ đoạn tinh vi

Theo nhận định của Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Các mặt hàng có nguy cơ cao vi phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hàng hóa tiêu dùng (quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm...) giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng; các loại hàng hóa là điện máy, linh kiện điện tử, điện và điện tử gia dụng; thực phẩm chức năng, thuốc tân dược giả; thuốc lá, xì gà, rượu bia giả mạo nhãn hiệu, tem nhãn, bao bì; mặt hàng sắt thép, gỗ và các sản phẩm gỗ… có xuất xứ từ nước ngoài nhập khẩu về Việt Nam có dấu hiệu giả mạo xuất xứ nhằm mục đích chuyển tải bất hợp pháp.

Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế

Cơ quan hải quan ngăn chặn gian lận hàng quá cảnh vi phạm sở hữu trí tuệ

Hải quan Việt Nam thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hải quan thế giới, thành viên của Chiến dịch Con rồng Mê Kông và lực lượng chức năng các nước để kịp thời nắm bắt thông tin, từ đó có căn cứ đấu tranh, ngăn chặn các vụ việc vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ thông qua loại hình quá cảnh, vận chuyển độc lập.

Ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan).

Về loại hình, nổi lên là hiện tượng lợi dụng loại hình quá cảnh, kho ngoại quan để vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các mặt hàng trên có nguồn gốc từ Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hồng Kông, Campuchia, Thái Lan, Đài Loan, Dubai, Myanmar, Indonesia...

Đối tượng có nguy cơ vi phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu theo các loại hình kinh doanh: nhập kinh doanh, kho ngoại quan, vận chuyển quá cảnh; các doanh nghiệp gia công, sản xuất hàng xuất khẩu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có dấu hiệu gian lận giả mạo xuất xứ, sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đối tượng của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tập trung chủ yếu là: Nhãn hiệu (Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu); chỉ dẫn địa lý (Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý); giống cây trồng mới (Bằng bảo hộ giống cây trồng mới).

Đóng tại địa bàn phát hiện nhiều vi phạm loại hình này, ông Lê Minh Tân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài (Cục Hải quan Tây Ninh) cho biết, các đối tượng vi phạm sẽ khai báo hàng hóa thông thường để mở tờ khai quá cảnh nhưng thực chất là trà trộn hàng giả mạo nhằm trốn tránh, che giấu, qua mặt cơ quan chức năng.

"Cứ kiểm tra là có vi phạm"

Qua đánh giá tình hình, ngay từ đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch số 1364/KH-TCHQ về việc “Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023” để triển khai trong toàn ngành nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan và nâng cao tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp.

Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cũng phát đi nhiều văn bản gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Long An, Lạng Sơn và Tây Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng quá cảnh, hàng hóa vận chuyển độc lập.

Kết quả từ đầu năm 2023 đến nay, toàn ngành đã đấu tranh, bắt giữ, xử lý 51 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 30 tỷ đồng.

Điển hình, có thời điểm chỉ trong 1 tháng, lực lượng hải quan tại cửa khẩu Cha Lo kiểm tra trọng điểm 18 lô hàng (18 container), kết quả kiểm tra phát hiện 16/18 lô hàng vi phạm tương đương 88,88%). Trong đó: 3 lô hàng có vi phạm vận chuyển hàng cấm (phải có giấy phép theo quy định mà không có giấy phép); 8 lô hàng vi phạm vận chuyển hàng giả mạo nhãn hiệu; 16 lô hàng vi phạm hàng hóa không khai báo.

Tại cửa khẩu Mộc Bài, cơ quan hải quan kiểm tra trọng điểm 30 lô hàng, kết quả kiểm tra phát hiện 20/30 lô hàng vi phạm. Trong đó: 1 lô vi phạm vận chuyển hàng cấm; 1 lô vi phạm hàng giả mạo nhãn hiệu; 10 lô vi phạm hàng hóa sai khai báo hoặc không khai báo.

Trước thực trạng “cứ kiểm tra là có vi phạm” như trên, việc quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý các vụ vận chuyển hàng hóa gian lận, vi phạm sở hữu trí tuệ từ sớm từ xa là điều cần được thực hiện rốt ráo và thường xuyên.

Trong thời gian tới, xác định tình hình buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có chiều hướng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn, trong đó có việc lợi dụng loại hình quá cảnh để rút ruột tiêu thụ tại Việt Nam, hoặc giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ngành Hải quan sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch 1364 của Tổng cục Hải quan.

Đồng thời, chủ động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hải quan nhằm giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn nữa trong quá trình thực hiện các thủ tục hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh./.