Công tác điều hành tài chính - ngân sách có nhiều kết quả ấn tượng
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về phát huy hiệu quả đầu tư công. Ảnh tư liệu

PV: Sau 10 tháng, việc thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã cho thấy những kết quả rất khả quan. Chính phủ dự kiến, số thu của cả năm có thể vượt dự toán. Ông đánh giá như thế nào?

Công tác điều hành tài chính - ngân sách có nhiều kết quả ấn tượng

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược gay gắt; xung đột leo thang ở Ukraina và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Ở trong nước, chúng ta phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề và còn kéo dài tại nhiều địa phương.

Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ Tài chính đã nỗ lực điều hành chính sách tài chính - ngân sách. Công tác quản lý, điều hành NSNN có nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, năm 2024 ước vượt 10,1% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng mức lương cơ sở, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép.

Ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội

Chính phủ, Bộ Tài chính đã nỗ lực điều hành chính sách tài chính - ngân sách. Công tác quản lý, điều hành NSNN có nhiều kết quả tích cực; cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng mức lương cơ sở, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép.

Đến thời điều này, công tác thu NSNN cả năm đến thời điểm này đã gần “cán đích”, đảm bảo mức vượt thu đã báo cáo Quốc hội. Tăng trưởng GDP năm nay khả năng sẽ đạt là 7%, vượt mục tiêu đề ra. Sau thời gian chịu tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thể nói, những kết quả này là rất ấn tượng và quan trọng.

Đó là thành quả của sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, công tác chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương cũng như nỗ lực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

PV: Như ông vừa nhận xét, công tác điều hành tài chính - ngân sách có nhiều kết quả "ấn tượng và quan trọng", tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đúng vậy, mặc dù công tác quản lý, điều hành tài chính - NSNN đạt nhiều kết quả tích cực. Song, phải thấy rằng cũng còn nhiều việc cần cả nước cùng chung vai gánh vác để thực hiện hiệu quả hơn.

Có thể kể đến việc ngân sách có tiền mà không chi được ở một số bộ, ngành, địa phương khi giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Số doanh nghiệp phát triển so với số doanh nghiệp rút lui tương đương nhau. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế… Đây là những vấn đề tôi nghĩ rằng nên quan tâm nhiều hơn bởi về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới công tác thu ngân sách nhà nước.

PV: Vậy ông có đề xuất gì “hiến kế” cho Chính phủ trong công tác điều hành nhằm hạn chế những vướng mắc, phấn đấu cho đạt các nhiệm vụ đề ra trong năm 2024, tạo đà cho hoàn thành các mục tiêu nhiệm kỳ?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Trước tiên, tôi cho rằng, phải tiếp tục làm tốt công tác dự toán ngân sách phù hợp với tình hình thực tế.

Một vấn đề nữa là giải quyết nợ đọng thuế, phải cương quyết thu hồi, thu đúng, thu đủ về ngân sách, đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Ngoài ra, tăng cường triển khai các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách. Tôi cho rằng, Bộ Tài chính, cơ quan thuế đang triển khai tốt công tác quản lý thu thuế, tăng thu từ các lĩnh vực lâu nay chúng ta chưa thu được.

Theo đó, cần nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa...

Một vấn đề cần đặc biệt lưu tâm nữa là giải ngân vốn đầu tư công chậm. Chính phủ đặt mục tiêu năm nay phải giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn. Nếu làm được như vậy là tốt. Tuy nhiên, tôi đề nghị trường hợp nào, địa phương, đơn vị nào mà giải ngân chậm thì nên thu hồi vốn và đưa vốn đó để đầu tư, chi cho những địa phương, những bộ, ngành giải ngân tốt. Bởi vì, cùng một hoàn cảnh thuận lợi, khó khăn, bất cập như nhau mà tại sao có địa phương làm tốt, giải ngân cao, nhưng có địa phương lại chậm.

Theo báo cáo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tôi được biết, thời gian qua chúng ta đã làm tốt việc tiết kiệm chi thường xuyên. Trong đó, chủ yếu là tiết kiệm ở các sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, mua sắm, rồi chi phí công tác phí, hội nghị tiếp khách, mua sắm nhỏ. Còn đối với lương và các khoản phụ cấp từ lương thì gần không tiết kiệm được. Việc chi thường xuyên cho trả tiền lương đã chiếm tới 45%, còn lại 65% là các khoản chi khác.

Do đó, để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách. Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình là cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên. Đây là con số rất ấn tượng, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt điều này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tháo gỡ nút thắt thể chế sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tỷ lệ tán thành cao, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%.

Hầu hết ĐBQH cho rằng, mục tiêu này có thể đạt được nhưng cần điều kiện và giải pháp thực sự quyết liệt và mạnh mẽ, trong đó, cần quan tâm tháo nút thắt về thể chế.

Theo ĐBQH Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc), để đạt được mục tiêu, điều quan trọng là tháo gỡ thể chế, vì tất cả các vướng mắc đều xuất phát từ thể chế, nếu tháo gỡ được nút thắt thể chế sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. ĐBQH Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, đầu tư công có vai trò quan trọng, dẫn dắt nền kinh tế, nếu thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ tạo nên sự tăng trưởng bứt phá những tháng còn lại năm 2024 và cả năm 2025. Đại biểu cho rằng các quy định của pháp luật cần minh bạch, rõ ràng, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và giám sát chặt chẽ. Để không còn tình trạng sợ trách nhiệm, cần rà soát để khắc phục triệt để, đảm bảo các chủ thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo dễ thực hiện; các quy định của pháp luật cũng cần chặt chẽ, minh bạch hơn. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét, thông qua việc sửa nhiều luật liên quan, kỳ vọng việc sửa đổi này sẽ tháo gỡ ngay điểm nghẽn, bất cập trong thực tế, góp phần đáng kể vào tăng trưởng của đất nước.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, ĐBQH Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, thực hiện hiệu quả các giải pháp, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống nhất là xuất khẩu.

Còn ĐBQH Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để phân loại, có biện pháp xử lý, tháo gỡ rào cản trong thể chế về các điều kiện kinh doanh. Trong đó, cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư năm 2020./.