PV: Kỷ niệm 57 năm Ngày Truyền thống ngành Giá Việt Nam (6/4/1965 - 6/4/2022), là dịp các thế hệ làm công tác giá ôn lại ngày truyền thống của ngành; đồng thời cũng là thời điểm để nhìn nhận, đánh giá lại những việc đã, đang và sẽ làm trong công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác quản lý, điều hành giá những năm gần đây?

Công tác quản lý giá làm tốt vai trò giữ ổn định kinh tế vĩ mô
Ông Nguyễn Anh Tuấn

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đến thời điểm hiện nay, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát đã đảm bảo theo mục tiêu. Mặt bằng giá cả được kiểm soát để không có biến động đột biến về giá, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ngay cả lúc khó khăn nhất khi dịch bệnh ở cao điểm, khả năng đứt giảm nguồn cung.

Qua đó, công tác quản lý, điều hành giá đã làm tốt vai trò giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu đề ra và tiếp tục ở mức thấp, tạo động lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Đến năm 2021 là năm thứ 6 liên tiếp việc kiểm soát lạm phát thành công, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,84%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 (năm 2016: tăng 2,47%; năm 2017: tăng 3,61%; năm 2018: tăng 3,59%; năm 2019: tăng 2,57%; năm 2020: tăng 3,51%; năm 2021: tăng 1,84%).

Đáng chú ý, trong công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu, các bộ, ngành đã chủ động tổ chức triển khai các giải pháp nhằm góp phần khắc phục khó khăn của doanh nghiệp, người dân theo đúng kịch bản điều hành giá đặt ra từ đầu năm. Công tác tổng hợp, phân tích diễn biến giá cả thị trường cũng được triển khai mạnh mẽ, kịp thời nắm bắt được các yếu tố biến động của thị trường để có các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn giá cả thị trường. Những biến động bất thường của một số hàng hóa, dịch vụ xảy ra cục bộ trên một số địa bàn có diễn biến dịch phức tạp đã được xử lý kịp thời.

PV: Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã có những đóng góp đáng kể vào công tác chỉ đạo, điều hành giá. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, ông nhận định như thế nào về những thách thức trong công tác quản lý giá, để hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát năm 2022, Quốc hội đề ra chỉ tiêu lạm phát khoảng 4%. Để hoàn thành mục tiêu trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm, quyết liệt và có hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng quản lý, điều hành giá để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra; song song với đó, tham mưu thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ công và các hàng hóa quan trọng thiết yếu.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, ảnh hưởng trực tiếp tới giá một số hàng hóa quan trọng, Cục Quản lý giá tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường.

Trong quản lý, điều hành giá năm 2022, Cục Quản lý giá tiếp tục chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường, nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Để kiểm soát giá cả thị trường, không thể thiếu công tác thanh tra, kiểm tra. Do đó, sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

PV: Được biết, Bộ Tài chính đang khẩn trương để sớm trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Giá, nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong công tác quản lý giá của thị trường. Ông có thể cho biết những vấn đề lớn được đặt ra trong lần sửa luật này?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Luật Giá đã thực hiện gần 9 năm, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Thực thi Luật Giá đã góp phần phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hồ sơ sửa đổi luật với 9 nhóm chính sách. Nhiều vấn đề về quy chế quản lý, điều hành giá sẽ được sửa đổi toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, khắc phục hạn chế vướng mắc.

Kết quả kiểm soát lạm phát 6 năm qua

Đến năm 2021 là năm thứ 6 liên tiếp việc kiểm soát lạm phát thành công, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,84%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 (năm 2016: tăng 2,47%; năm 2017: tăng 3,61%; năm 2018: tăng 3,59%; năm 2019: tăng 2,57%; năm 2020: tăng 3,51%; năm 2021: tăng 1,84%).

9 chính sách lớn được Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi tại Luật Giá đó là: hoàn thiện các nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá tại luật; củng cố, kiện toàn công tác xây dựng phương pháp định giá nhà nước, thống nhất trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quy định phương pháp định giá hàng hóa dịch vụ cũng như quy trình xây dựng phương pháp định giá trên cơ sở phương án, hồ sơ từ các bộ, ngành; điều chỉnh thẩm quyền quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá từ Quốc hội cho Chính phủ; điều chỉnh các quy định hiện hành về phạm vi áp dụng đối với biện pháp hiệp thương giá.

Ngoài ra, một số vấn đề cũng được đề xuất sửa đổi tại Luật Giá, như: kê khai giá để tăng cường hiệu lực thực hiện của biện pháp kê khai giá, đáp ứng yêu cầu quản lý giá trong thực tiễn cũng như giảm bớt các thủ tục hành chính đối với biện pháp đăng ký giá; củng cố cơ sở pháp lý để triển khai toàn diện công tác tổng hợp, phân tích, dự báo; hoàn thiện các quy định về điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; tăng cường các giải pháp quản lý đối với hoạt động thẩm định viên về giá; quy định về thẩm định giá nhà nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiếp tục củng cố, kiện toàn hoạt động thẩm định giá

Cơ quan quản lý nhà nước đã hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm nâng cao điều kiện đối với hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá (TĐG). Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm siết chặt hoạt động nghề, nâng tiêu chuẩn người đại diện pháp luật, giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp và thẩm định viên về giá hành nghề.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật TĐG được thực hiện hàng năm, cơ quan quản lý nhà nước luôn kịp thời có văn bản chấn chỉnh đối với các doanh nghiệp TĐG thực hiện nghiệp vụ của mình; xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực TĐG và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp có tính dài hạn nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc kinh doanh dịch vụ TĐG và hành nghề TĐG của các doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Luật Giá tiếp tục củng cố, kiện toàn hoạt động TĐG. Cụ thể, hoàn thiện các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ TĐG theo hướng chuyên môn hóa theo lĩnh vực; tăng cường hoạt động quản lý kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động TĐG của doanh nghiệp TĐG; chú trọng xây dựng nội dung cập nhật kiến thức cho thẩm định viên về giá, đặc biệt tiếp tục các nội dung cập nhật nhằm nâng cao đạo đức hành nghề TĐG...