Vanphong

Tập thể văn phòng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc; Ảnh: Chi Linh

>> Tất cả đều từ lòng yêu nghề

>> Không ngừng được kiện toàn về tổ chức và lớn mạnh về mọi mặt

Bằng những nỗ lực vượt qua mọi khó khăn ban đầu như thế, trong ba mươi năm thành lập và phát triển, Cục DTNN Khu vực Đông Bắc xứng đáng được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” và luôn là một trong những điểm sáng trong ngành Dự trữ Nhà nước.

Những ngày đầu gian khó

Ngược về những ngày này 30 năm trước, câu chuyện bắt đầu từ địa danh Chùa Vẽ (Hải An, Hải Phòng). Buổi đầu tiên, Trạm tiếp nhận vật tư dự trữ Hải Phòng (mật danh là Trạm I) được thành lập vào tháng 4/1984, với nhiệm vụ chính trị “Tiếp nhận và trung chuyển toàn bộ vật tư hàng hóa DTNN qua đầu mối cảng Hải Phòng giao cho các Tổng kho thuộc các tỉnh phía Bắc niêm cất bảo quản”. Khi ấy, đơn vị đã không có một tấc đất.

Thành công của chặng đường 30 năm là hành trang để CBCC phấn đấu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện trong chặng đường tiếp theo để thực hiện tốt mục tiêu của Dự trữ quốc gia và xứng đáng với sự tin cậy của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN...

anh Thao

Ông Trần Văn Thao - Cục trưởng Cục DTNN khu vực Đông Bắc

Gần một năm sau, tháng 6/1985, đơn vị bắt tay vào việc xin đất, san lấp mặt bằng khu đầm lầy, thành lập khu vực kho bãi Chùa Vẽ. Trong mùa hè đổ lửa, các anh, các chị vừa tiếp nhận vận chuyển hàng dự trữ vừa đóng gạch, nung vôi để xây dựng khu kho bãi và 9 gian nhà đầu tiên. Bây giờ, khu vực kho bãi Chùa Vẽ thấm mồ hôi, công sức của các anh các chị chính là cơ sở của Trung tâm dịch vụ thương mại và vận tải và Chi cục DTNN Hải An hôm nay.

Cứ thế, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, các anh, các chị đã xây dựng Trạm I thành Chi cục Dự trữ Hải Phòng rồi thành DTQG khu vực Đông Bắc và bây giờ là Cục DTNN khu vực Đông Bắc. Theo đó, nhiệm vụ chính trị cũng tăng theo, từ tiếp nhận vật tư qua cảng Hải Phòng đến tiếp nhận và bảo quản lương thực; và bây giờ là mua nhập, xuất bán, bảo quản thóc gạo dự trữ quốc gia và các mặt hàng vật tư thiết bị hàng hóa cứu hộ, cứu nạn, thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu trợ, viện trợ, cứu đói, hỗ trợ ; quy mô của đơn vị từ thời điểm thành lập với con số 0 đến nay đã có 6 Chi cục nằm trên địa bàn 10 quận huyện, thị xã của Hải Phòng và Quảng Ninh gồm 17 điểm kho, 52 nhà kho; nâng cấp từ kho cũ: 26.000 tấn kho; xây mới và sửa chữa: 33.000 tấn kho; nhà bảo quản và nhà làm việc các Chi cục.

Sáng tạo trên bước đường xây dựng

Trò chuyện với cán bộ, công nhân viên Cục DTNN khu vực Đông Bắc, tôi nhận thấy mọi người đều rất khiêm tốn nói về những tấm huy chương mà chỉ toàn nói về những trăn trở cùng sáng kiến của đơn vị mình.

Sáng kiến đầu tiên được nhắc đến là sáng kiến về biện pháp cách ly chuột khỏi khối hạt, khi được áp dụng thì 100% các ngăn kho không có chuột. Tiếp đó, là việc cải tiến van hút khí, lắp máy hút bụi, hút khí trong lô hàng thay cho Máy hút chân không (thiết bị này phải nhập khẩu từ nước ngoài, giá rất cao). Đặc biệt, năm 1998, đơn vị đưa ra đề tài khoa học “Bảo quản gạo trong môi trường yếm khí”. Đề tài cho phép kéo dài thời gian bảo quản gạo, giảm hao hụt tới mức thấp nhất, cách ly hoàn toàn sinh vật hại, cách ly khối hạt khỏi môi trường hóa chất, giảm thấp nhất cường độ lao động chân tay. Đề tài mang lại giá trị lớn về kinh tế, có tác dụng bảo vệ môi trường, giải phòng sức lao động.

Hơn nữa, từ kết quả thành công của công nghệ bảo quản gạo trong môi trường Yếm khí, đơn vị mạnh dạn đề xuất thí điểm Bảo quản kín đối với thóc dự trữ, sau khi có kết quả được hoàn thiện thành đề tài Bảo quản thóc trong môi trường yếm khí. Đề tài được nghiệm thu năm 2007, mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giảm tỷ lệ hao hụt trong định mức từ 2,3% xuống còn 0,7% đến 1%, không sử dụng hóa chất diệt côn trùng đối với khối hạt, giảm cường độ lao động phổ thông giải phóng sức lao động cơ bắp cho thủ kho, giảm tỷ lệ tạp chất phát sinh trong quá trình bảo quản đến khi xuất kho.

Tiếp đó là Đề tài bảo quản thóc trong môi trường áp suất thấp có độ ẩm từ trên 13,5 đến 14,5% năm 2006. Do điều kiện sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, đã có bước phát triển cao về khoa học kỹ thuật, việc thu hoạch lúa đã được cơ giới hóa, việc thu mua lúa được phơi già, khô, sạch theo tiêu chuẩn độ ẩm 13,5% là không còn phù hợp. Vì vậy việc ứng dụng bảo quản thóc trong môi trường yếm khí, với độ ẩm trên 13,5%-14,5% là phù hợp với điều kiện thực tiễn, của công tác bảo quản lương thực sau thu hoạch. Tất cả đề tài, sáng kiến đó của đơn vị đều được áp dụng trong toàn Ngành và được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam công nhận và cấp bằng lao động sáng tạo.

Ngoài ra, đơn vị còn có phong trào xây dựng vùng kho “An toàn, xanh, sạch đẹp” được phát động từ năm 1994. Với sự vào cuộc của toàn thể cán bộ công công chức, đơn vị đã đầu tư sửa chữa nâng cấp sử dụng 26.000 tấn kho được tiếp nhận từ ngành lương thực xây dựng từ năm 1959-1960, đã hết khấu hao để kịp thời đưa vào sử dụng có hiệu quả. Phong trào mang tới cho các vùng kho một bộ mặt mới, cán bộ công chức tổ chức trồng hàng ngàn cây xanh trong vùng kho, thi đua giảm tỷ lệ hao hụt xuống dưới định mức, thi đua gìn giữ an toàn tài sản hàng hóa, thực hiện tốt quy trình bảo quản.

Phong trào đã được Tổng cục DTNN ghi nhận và được nhân rộng trong toàn ngành Dự trữ suốt từ năm 1994 cho đến nay đã trở thành một nét đẹp truyền thống của Ngành, hàng năm cứ độ xuân về các Cục Dự trữ trong toàn Ngành lại kiểm tra mùa xuân bổ sung trồng cây có ích trong điểm kho.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Trần Văn Thao, Cục trưởng Cục DTNN khu vực Đông Bắc chia sẻ: “Thành công của chặng đường 30 năm với danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”; 23 năm Tập thể lao động xuất sắc 2012 cùng nhiều Cờ thi đua của Cục Dự trữ Quốc gia; Cờ thi đua của Bộ Tài chính; Cờ thi đua của Chính Phủ; là niềm vinh hạnh đối với chúng tôi. Nhưng thành công ấy là cơ sở vững bền để chúng tôi nhân thêm quyết tâm phấn đấu xây dựng và phát triển đơn vị lớn mạnh hơn nữa!”.

Trong những ngày rét ngọt đầu Xuân, tôi đã nhìn thấy ý chí quyết tâm ấy trong bao ánh mắt của cán bộ, công chức Cục DTNN khu vực Đông Bắc hôm nay./.

Sâm Linh