the

Chi cục Thuế TP. Hoà Bình rà soát, quản lý tốt nguồn thu tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước

Năm 2018, Cục Thuế Hòa Bình phấn đấu thu vượt 3% so với dự toán năm 2017.

Vượt thu 17% so với dự toán

Theo phân tích đánh giá về số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, số thu từ thuế và phí là 2.716 tỷ đồng, đạt 110% dự toán pháp lệnh, đạt 107% dự toán HĐND tỉnh, đạt 102% dự toán phấn đấu của Tổng cục Thuế và bằng 102% so thực hiện năm 2016. Số thu tiền sử dụng đất là 350 tỷ đồng, đạt 233% dự toán pháp lệnh, 113% dự toán HĐND tỉnh, 113% dự toán phấn đấu và bằng 140% so với thực hiện năm 2016.

Ước đến hết 31/12/2017, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế thu được 152 tỷ đồng, bằng 49% tổng số nợ tại thời điểm 31/12/2016, trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ là 126 tỷ đồng và bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 26 tỷ đồng.



Cũng theo Cục Thuế Hòa Bình, 9/15 khoản thu hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán cả năm, bao gồm: Thu cố định tại xã đạt 499%, thu tiền sử dụng đất đất 233%, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 146%, Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 144%, thu tiền thuê đất đạt 139%…

Cục trưởng Cục Thuế Hòa Bình Bùi Anh Tấn cho biết, mặc dù về tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thì hoàn thành, nhưng nếu tính chi tiết theo từng khu vực, từng khoản thu sắc thuế thì có một số khoản thu hụt so với dự toán giao như: Thu từ khu vực ngoài quốc doanh ước đạt 450,5 tỷ đồng, hụt thu 90 tỷ đồng so với dự toán được giao. Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 46 tỷ đồng, hụt 34 tỷ đồng so với dự toán HĐND tỉnh giao.

"Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn chủ yếu là DN vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và khai thác khoáng sản. Trong năm qua, tình hình hoạt động của các DN nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc Chính phủ hạn chế đầu tư công cũng đã ảnh hưởng tới doanh thu và số nộp thuế của DN", ông Tấn phân tích.

Bên cạnh đó, nhiều DN hoạt động khai thác khoáng sản gặp khó khăn do nhu cầu của thị trường giảm, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Điểm đáng lưu tâm khác, do số giao dự toán tăng 25% so với số thực hiện năm 2016, trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm khu vực ngoài quốc doanh chỉ đạt 10% trong giai đoạn 2012 - 2016.

Nhiều biện pháp thu hồi nợ thuế

Qua thống kê của Cục Thuế Hòa Bình, tính đến 31/12/2017, tổng số tiền thuế nợ khoảng 295 tỷ đồng, giảm 14 tỷ đồng so với 31/12/2016, trong đó: Nợ khó thu là 150 tỷ đồng, chủ yếu là nợ của các DN liên quan đến trách nhiệm hình sự, bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể, phá sản, mất khả năng thanh toán...; nợ có khả năng thu là 145 tỷ đồng (giảm 50 tỷ đồng so 31/12/2016) chiếm 5% dự toán thu năm 2017 (riêng tiền chậm nộp là 67 tỷ đồng, chiếm 23% trên tổng số tiền nợ thuế).

Trong năm 2017, các cơ quan thuế của tỉnh Hòa Bình đã triển khai các biện pháp đôn đốc xử lý tiền nợ thuế, như: Đôn đốc bằng điện thoại 13.094 lượt; ban hành thông báo tiền nợ thuế đối với các DN là 80.858 lượt; ban hành 862 quyết định cưỡng chế tài khoản qua ngân hàng, với số tiền là 205 tỷ đồng; ban hành 103 quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, số tiền là 91 tỷ đồng; ban hành 1 quyết định thu tiền, tài sản của người nộp thuế do tổ chức, cá nhân đang nắm giữ với số tiền 30 tỷ đồng.

Cơ quan thuế đã tích cực phối hợp với các sở, ban ngành trên địa bàn để đôn đốc thu hồi nợ thuế, như: Phối hợp với Sở kế hoạch và Đầu tư đề nghị thu hồi Giấy phép đăng ký kinh doanh của 307 DN, hợp tác xã bỏ hoạt động kinh doanh hoặc đã thực hiện hết các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, với tổng số tiền 76,4 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định thu hồi giấy phép của 143 doanh nghiệp, với số tiền thuế nợ là 21,3 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện gửi danh sách các DN xây dựng cơ bản đề nghị Kho bạc tỉnh, huyện; các ban quản lý dự án phối hợp đôn đốc 99 đơn vị số tiền 82 tỷ đồng....

Theo Cục trưởng Bùi Anh Tấn, năm 2018 Cục Thuế Hòa Bình sẽ phấn đấu hoàn thành vượt dự toán là 2.687 tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán thu năm 2017. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND và UBND giao chỉ tiêu phấn đấu thu cho đơn vị là 3.325 tỷ đồng (trong đó thu nội địa là 3.205 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu là 120 tỷ đồng).

Để hoàn thành nhiệm vụ, Cục Thuế Hòa Bình bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng thời đề ra các giải pháp thực hiện như: Chủ động tham mưu với chính quyền địa phương chỉ đạo điều hành quản lý thu ngân sách; phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền cơ sở rà soát các nguồn thu phát sinh, đảm bảo phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn đạt và vượt dự toán được giao.

Đẩy mạnh các biện pháp đôn đốc thu nợ thuế; tăng cường quản lý khai thác các nguồn thu trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, dịch vụ, xây dựng cơ bản…; nâng cao chất lượng tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế nhằm giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển…

Đức Minh