Số thu giảm dần do ảnh hưởng của dịch bệnh

Cục Thuế Quảng Ngãi vừa có báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến suy giảm kinh tế, giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN). Ông Nguyễn Văn Tiếp cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có diễn biến phức tạp. Đặc biệt trong các tháng gần đây, số lượng các ca mắc Covid-19 tăng nhanh. Dịch bệnh đã xâm nhập vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn, không còn nguồn lực để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh.

lọc-dầu-dung-quất.jpg
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, tồn kho cao. Ảnh: TL

Từ đầu năm 2020 đến hết tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 1.521 DN giải thể, tạm ngừng, bỏ địa chỉ kinh doanh, tập trung vào nhóm các DN có quy mô nhỏ, sức chịu đựng thấp. Trong khi đó chỉ có 1.337 DN thành lập mới (bao gồm cả chi nhánh, hợp tác xã).

Đại diện Cục Thuế Quảng Ngãi cho biết, toàn đơn vị thu được 8.186,6 tỷ đồng, đạt 74,4% dự toán, trong đó thu từ Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn (chiếm gần 45% số thu) đạt 80% dự toán. Nếu trừ số thu từ dầu này thì 8 tháng, đơn vị thu chỉ đạt 69,6% dự toán năm. So với chỉ tiêu phấn đấu tỉnh giao một số khoản thu đạt rất thấp, trong đó: Thu từ hoạt động xổ số đạt 55,4%; thu thuế ngoài quốc doanh đạt 59,4%; thu tiền sử dụng đất đạt 20,4%; thu tiền cho thuê đất đạt 59,3%; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 60,2%...

Ông Nguyễn Văn Tiếp chia sẻ thêm, so với cùng kỳ, chỉ có một số ít khoản thu giữ mức độ ổn định hoặc tăng nhẹ, còn lại đa số đều giảm, trong đó: doanh nghiệp nhà nước (DNNN) địa phương thu bằng 86,1%; thu từ xổ số kiến thiết bằng 76%; thuế sử dụng đất nông nghiệp bằng 31,6%; thuế bảo vệ môi trường bằng 94%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản 87,4%…

Đặc biệt do thực hiện giãn cách xã hội tại địa phương, bắt đầu từ quý III/2021, số thu có xu hướng giảm mạnh. Những DN hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thu sản phẩm, tồn kho cao, sản phẩm sản xuất ra không có nơi chứa, mặc dù nhà máy đã điều chỉnh giảm công suất xuống mức 80% công sức tối thiểu. Nếu tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, thì nhà máy phải đối mặt với nguy cơ phải dừng hoạt động trong các tháng cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm quan trọng, chiếm tỷ trọng thu lớn trong cơ cấu thu ngoài quốc doanh như bia Sài Gòn của Công ty CP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, bia Dung Quất của Công ty CP Đường Quảng Ngãi thì sản lượng tiêu thụ trong tháng 8/2021 bằng 60% so với tháng 7/2021 và bằng 40% so với bình quân các tháng đầu năm 2021. Dự kiến các tháng còn lại tiêu thụ còn tiếp tục giảm xuống, ảnh hưởng lớn đến số thu NSNN trong các tháng cuối năm 2021 và dự kiến năm 2022 vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng lớn.

Các DN còn lại đều chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Một số ngành nghề, một số khu vực phải tạm dừng hoạt động do dịch bệnh lây lan, trong đó có cả các DN trong khu công nghiệp. Số DN còn lại chỉ sản xuất kinh doanh ở mức duy trì, không còn nguồn lực để phát triển. Hộ kinh doanh ở hầu hết các ngành nghề đều nghỉ, chỉ có một số ngành nghề có kinh doanh mặt hàng thiết yếu được hoạt động dẫn đến nguồn thu từ khu vực hộ kinh doanh giảm mạnh.

Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Để giúp DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo ông Nguyễn Văn Tiếp, cần phải tiếp tục có các chính sách, giải pháp, hỗ trợ DN nhằm tạo điều kiện duy trì và dần phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Cục Thuế Quảng Ngãi đề xuất ngoài các đối tượng áp dụng tại Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cần bổ sung hỗ trợ thêm đối tượng là DN trong khu kinh tế, khu công nghiệp phải ngừng, nghỉ kinh doanh nên gặp rất nhiều khó khăn.

Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 đối với các DN phát sinh lỗ liên tục trong 3 năm từ năm 2018 đến 2020. Mở rộng các đối tượng nhận tài trợ, đơn giản thủ tục theo hướng tất cả các khoản ủng hộ, tài trợ của các DN cho hoạt động phòng, chống dịch đều được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); xem xét tất cả các khoản chi liên quan đến phòng chống dịch bệnh tại DN như chi phí xét nghiệm cho nhân viên, khử khuẩn, cách ly…, được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Theo ông Nguyễn Văn Tiếp, nếu trường hợp áp dụng các biện pháp hỗ trợ như đề xuất trên, sẽ có khoảng trên 4.500 người nộp thuế được gia hạn nộp thuế, số tiền thuế được gia hạn khoản trên 4.000 tỷ đồng; số thuế TNDN giảm 30% năm 2022 khoản 1.000 DN, số thuế giảm tương ứng khoản 150 tỷ đồng./.

Văn Tuấn