PV: Xin ông cho biết đôi nét về công tác thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn?

Ông Đỗ Hồng Nam: Ước 9 tháng đầu năm 2021, tổng thu nội địa trên địa bàn đạt 6.795 tỷ đồng, bằng 108% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 95,6% chỉ tiêu phấn đấu HĐND tỉnh giao, tăng 52% (so với cùng kỳ năm 2020). Trừ tiền sử dụng đất, đơn vị thu được 4.315 tỷ đồng, đạt 84% dự toán Bộ Tài chính giao.

ông đỗ hông nam
Ông Đỗ Hồng Nam - Cục trưởng Cục Thuế Thái Bình.

5/15 khoản thu đạt trên 100% dự toán, trong đó: Thu tiền sử dụng đất được 2.464 tỷ đồng, đạt 224%; thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài được 100 tỷ đồng, đạt 137%; thu thuế thu nhập cá nhân được 226 tỷ đồng, đạt 103%; thu từ hoạt động kinh doanh xổ số đạt 102%; thu các loại phí, lệ phí đạt 100,2%.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 khoản đạt dưới 75% dự toán, trong đó: Thu thuế bảo vệ môi trường được 1.470 tỷ đồng, đạt 73,4%; thu từ khu vực DN nhà nước được gần 423 tỷ đồng, đạt 72% dự toán (trong đó, thu từ khu vực DN nhà nước địa phương mới đạt 48% dự toán, do DN xin gia hạn nộp các khoản thuế theo chính sách hỗ trợ ảnh hưởng của dịch Covid-19 của Chính phủ).

Nếu phân theo các đơn vị quản lý thu, khối văn phòng cục thuế thu đạt 3.742 tỷ đồng, bằng 88% dự toán; khối chi cục thuế thu đạt 2.635 tỷ đồng, bằng 137% dự toán. Có 4/5 chi cục thuế thực hiện vượt so dự toán từ 27 đến 116%, trong đó: Chi cục Thuế khu vực Tiền Hải - Kiến Xương thu đạt 216%; Chi cục Thuế huyện Thái Thụy thu đạt 151%; Chi cục Thuế khu vực Quỳnh Phụ - Hưng Hà thu đạt 148%; Chi cục Thuế Đông Hưng thu đạt 127%. Còn lại, Chi cục Thuế khu vực TP. Thái Bình - Vũ Thư mới thu đạt 67% dự toán.

Có được kết quả trên là nhờ dịch bệnh được kiểm soát trong những tháng đầu năm, cùng với những giải pháp điều hành linh hoạt, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo tỉnh trong công tác điều hành thu ngân sách nhà nước (NSNN); sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức thuế trong việc vừa thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, vừa phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và phải thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh giãn cách.

Đặc biệt hơn là sự nỗ lực của cộng đồng DN và người nộp thuế (NNT) trong việc vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, qua đó tạo nguồn thu ổn định cho NSNN.

PV: Dịch bệnh Covid-19, đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và NNT, Cục Thuế Thái Bình có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thưa ông?

Ông Đỗ Hồng Nam: Dịch bệnh Covid-19, đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Trước tình hình đó, bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và lãnh đạo tỉnh, Cục Thuế Thái Bình đã cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp thiết thực để triển khai thu ngân sách với phương châm thu đúng, đủ, kịp thời các nguồn thuế phát sinh vào NSNN.

doanh-nghiệp-dệt-may-duy-trì-sản-xuất-kinh-doanh
Doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Thái Bình nỗ lực vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất kinh doanh. Ảnh: T.N

Song song với đó, Cục Thuế Thái Bình luôn đồng hành gỡ khó cho DN và NNT. Phát huy kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021, Cục Thuế Thái Bình đã tổ chức tuyên truyền đến DN và NNT bằng nhiều hình thức như: gửi văn bản hướng dẫn trên website, Zalo, Facebook của cơ quan thuế các cấp; tổ chức hướng dẫn, tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn qua phương thức điện tử để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tạo thuận lợi cho NNT.

Tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn có 893 DN, cá nhân gửi đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, trong đó có 887 DN và 6 hộ cá nhân kinh doanh. Tổng số tiền đề nghị gia hạn là 390 tỷ đồng, trong đó: thuế giá trị gia tăng là 297,3 tỷ đồng; thuế thu nhập DN là 30 tỷ đồng; tiền thuê đất 62,7 tỷ đồng; hộ cá nhân kinh doanh đề nghị gia hạn 91 triệu đồng.

So với kết quả gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2020 (theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP), số hồ sơ đề nghị gia hạn năm 2021 tăng 99 trường hợp, tương ứng tăng 12,5%; số tiền thuế đề nghị gia hạn tăng 45,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 13,3%.

Kết quả trên cho thấy cộng đồng DN đã tích cực đón nhận các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ; đồng thời phản ánh nỗ lực của cơ quan thuế trong việc triển khai chính sách gia hạn, thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong đại dịch tới các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.

PV: Mặc dù đã cán đích dự toán pháp lệnh, song dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến số nộp ngân sách, Cục Thuế Thái Bình có giải pháp gì để hoàn thành dự toán phấn đấu HĐND tỉnh giao, thưa ông?

Ông Đỗ Hồng Nam: Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, xác định những tháng cuối năm, công tác thu NSNN sẽ tiếp tục phải đối diện với những khó khăn, thách thức lớn. Để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách, Cục Thuế Thái Bình sẽ tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục hỗ trợ và tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho các DN, NNT; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế…

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Cục Thuế Thái Bình tổ chức rà soát, đánh giá lại tất cả các dư địa có số thu cao từ nay đến cuối năm 2021; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế mới phát sinh cho NSNN. Đồng thời, đơn vị rà soát lại các chỉ tiêu được giao, đôn đốc thực hiện triệt để các nguồn thu; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở các khu đất đủ điều kiện để tăng thu cho ngân sách.

Ngoài ra, Cục Thuế Thái Bình tập trung rà soát, phân loại, phân tích nguyên nhân nợ của từng NNT, tập trung phân loại những NNT bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp đối với từng nhóm nợ, khoản nợ.../.

PV: Xin cảm ơn ông!

Văn Tuấn (thực hiện)