chất vấn bộ công thương

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Ảnh T.L

Cơ sở pháp lý cho hoạt động bán hàng đa cấp chưa đầy đủ

Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, thời gian qua việc bán hàng đa cấp bị biến tướng trở thành những hình thức kinh doanh tài chính trái phép cũng như kinh doanh ảo, gây ra nguy cơ thất thoát và mất mát tài sản của xã hội rất lớn. Vậy trách nhiệm của Bộ Công thương đến đâu?

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, bán hàng đa cấp đã được cấp phép khi Việt Nam tham gia thành viên của WTO, được thực hiện thông qua các khung khổ pháp lý từ năm 2014 và đã được sửa theo hướng thắt chặt hơn. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện từ năm 2014 đến năm 2016 đã bộc lộ ra một số các vấn đề bất cập trong quản lý nhà nước và chế tài hoạt động của bán hàng đa cấp.

Bộ trưởng thừa nhận, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động bán hàng đa cấp chưa đầy đủ và chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chưa thực sự bài bản và chưa có sự phân công rạch ròi, đảm bảo hiệu quả của các cấp. Bởi vì quản lý bán hàng đa cấp theo quy định của các nghị định và thông tư hướng dẫn được phân cấp cho chính quyền của địa phương và Sở Công thương tại các địa phương để quản lý trực tiếp các hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp…

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cuối năm 2015, sau khi nhận thấy những biến tướng của bán hàng đa cấp, Bộ đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật với bán hàng đa cấp ở tại các địa phương và phát hiện hàng loạt các doanh nghiệp ngoài việc không chấp hành pháp luật còn có hiện tượng gian dối, lợi dụng, trục lợi, bán hàng đa cấp để phục vụ hoạt động thu lợi bất chính.

Cụ thể, tính đến nay, từ 67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã rút giấy phép 25 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính và có hành vi lừa đảo, trục lợi. Bên cạnh đó, đã xử phạt hơn 14 doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

“Bộ Công thương đã nhìn nhận trách nhiệm của mình, theo đó đã đề nghị sửa đổi Nghị định 42 về quản lý bán hàng đa cấp cũng như các thông tư hướng dẫn để khắc phục những tồn tại, bất cập mà các cơ quan quản lý chưa làm được. Đặc biệt trong phân cấp ở địa phương”, Bộ trưởng cho biết.

Về trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc chậm phản ứng chính sách và chưa ban hành kịp thời những nội dung sửa đổi, điều chỉnh khuôn khổ pháp lý trong bán hàng đa cấp, Bộ trưởng cho biết, đang tiếp tục xem xét và sẽ có hướng làm rõ trong thời gian tới. Trước mắt, sẽ tập trung vào những giải pháp để đảm bảo hiệu quả quản lý bán hàng đa cấp, nhất là bán hàng đa cấp có những dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc lừa đảo, sẽ làm nghiêm vấn đề này.

Sẽ đảm bảo được cân đối cung cầu điện

Liên quan đến phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, ngành công nghiệp ô tô, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công thương vì sao cho đến nay Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất ô tô, trong khi đó lộ trình thực hiện AFTA đang đến gần, càng gây bất lợi cho sản xuất ô tô trong nước. "Với trách nhiệm của Bộ chủ quản, đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để thực hiện hiệu quả chiến lược của Chính phủ trước thách thức hội nhập", ĐB đặt câu hỏi.

Trả lời các ĐB, Bộ trưởng thừa nhận ngành công nghiệp ô tô chưa đạt mục tiêu đề ra bởi còn có những yếu kém trong các chính sách về công nghiệp quốc gia, kể cả trong chiến lược công nghiệp ô tô và trong một số các ngành kinh tế khác.

“Nguyên nhân và lý do có nhiều kể cả những lý do chủ quan về tầm nhìn, về quan điểm cũng như về các nghiên cứu xây dựng các chính sách”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng xin ghi nhận ý kiến của ĐB và xin tiếp thu trong công tác xây dựng các chính sách cũng như chiến lược phát triển trong thời gian tới để cụ thể hóa quan điểm và chủ trương của Đảng trong phát triển ngành công nghiệp ô tô. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ nội địa hóa 30-40% dòng xe dưới 9 chỗ, xe tải…

Tiếp tục chất vấn, ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng đối với công tác tham mưu, dự báo và tầm nhìn chiến lược quy hoạch phát triển nguồn điện quốc gia khi nhiều dự án điện bị dừng?

Trả lời ĐB Nguyệt, Bộ trưởng cho biết trong bối cảnh đang có những điều chỉnh lớn liên quan nguồn điện. Ví dụ như điện hạt nhân, đang xem xét những quyết sách lớn; những vấn đề liên quan đến thủy điện đang khai thác gần như đến hết tiềm năng của thủy điện; nhiệt điện than đang gặp khó khăn do vấn đề nhập khẩu than...

Tuy nhiên Bộ trưởng khẳng định bằng mọi giá phải đảm bảo được cân đối cung cầu điện, nhất là nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và nhu cầu đời sống xã hội của nhân dân và đất nước, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng.

Bộ trưởng cũng cho biết vì thời gian có hạn, sẽ báo cáo sau với các đại biểu Quốc hội về những phương án và những nội dung cụ thể liên quan đến cân đối cung cầu năng lượng…/.

Hồng Chi