Đại biểu Quốc hội kỳ vọng vào sự điều hành linh hoạt của Chính phủ Đại biểu Quốc hội sẽ lựa chọn 4 trong số 5 nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ ba Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn 4 tư lệnh ngành và Phó Thủ tướng

Cơ hội để các trưởng ngành được chia sẻ, tạo sự đồng thuận

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, trong tình hình hiện nay, một điều cử tri rất quan tâm là làm sao để vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, lại vừa hỗ trợ tăng trưởng, khôi phục và phát triển kinh tế.

Mặc dù 5 tháng đầu năm các chỉ số kinh tế vĩ mô khá tốt, tuy nhiên, áp lực lạm phát toàn cầu đang gia tăng, giá xăng dầu tăng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu dùng. Trong khi đó, nền kinh tế vẫn cần động lực để phục hồi, khi sức chống chịu của người dân và doanh nghiệp đã bị bào mòn sau đại dịch cần được hồi sức.

Do đó, các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế mà Chính phủ đang triển khai cần phải được sớm đi vào cuộc sống. Trong đó, giải pháp tài khóa, tiền tệ là những giải pháp trung tâm, và đó cũng là lý do mà Quốc hội lựa chọn chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc
Đại biểu Vũ Tiến Lộc

Đại biểu phân tích, hiện nay điều khó khăn là thế giới đang thu hẹp chính sách tài khóa tiền tệ thì ta đang phải mở rộng, gần như ngược chiều so với xu thế chung của thế giới, nhưng đây là việc làm phù hợp điều kiện nước ta hiện nay, cần thúc đẩy phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh đó, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ là vô cùng quan trọng.

“Vừa qua chúng ta đã rất thành công khi vừa kiểm soát được lạm phát, vừa duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, và quan trọng là nền tảng kinh tế vĩ mô trong giai đoạn đại dịch vừa qua được duy trì tương đối tốt. Đó là nền tảng cho sự ổn định và phát triển. Giai đoạn tới đây, chúng ta càng cần tiếp tục duy trì nền tảng đó. Lúc này, trước áp lực lạm phát đang tăng, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là vô cùng quan trọng, không chỉ là quản trị điều hành mà còn là nghệ thuật để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, sự cộng hưởng, "chia lửa" giữa chính sách tài khóa và tiền tệ như thế nào là vấn đề lớn mà cử tri quan tâm”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Khi Quốc hội lựa chọn các lĩnh vực để chất vấn tại kỳ họp, đại biểu nhấn mạnh “đây không phải là "bị chất vấn" mà là "được chất vấn", đây là cơ hội để các Bộ trưởng giãi bày, thảo luận với Quốc hội về những chủ trương, giải pháp, cũng là để các Bộ trưởng được lắng nghe, giải trình, tạo ra sự đồng thuận.

Làm rõ điểm nghẽn trong việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế

Cùng quan tâm đến vấn đề phục hồi kinh tế, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, trong bốn nhóm nội dung chất vấn của bốn thành viên Chính phủ, đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội. Theo đại biểu, đây là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri trong thực tiễn thời gian qua.

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Bộ trưởng Bộ Tài chính là thành viên Chính phủ có nhiều kinh nghiệm trên nghị trường của Quốc hội với trách nhiệm hai vai là thành viên của Chính phủ và đại biểu Quốc hội, từ đó sẽ biết được những tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu kỳ vọng ở Bộ trưởng.

Đại biểu nhấn mạnh, việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết chưa có tiền lệ đã thể hiện sự quan tâm và cụ thể hóa cũng như trách nhiệm của Nhà nước đối với chủ trương của Đảng, đó là triển khai sớm để phục hồi và phát triển kinh tế một cách nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng như các thành viên khác của Chính phủ đã nhìn nhận được về những nội dung chưa đạt được theo yêu cầu mong muốn trong tổ chức thực hiện.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai

Về mặt khách quan, đại biểu rất chia sẻ với các trưởng ngành về những khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên về mặt chủ quan, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai kỳ vọng câu trả lời của Bộ trưởng sẽ làm rõ được “địa chỉ”, đâu là điểm nghẽn do chủ quan, tổ chức thực hiện để sớm khắc phục và có giải pháp. Theo báo cáo của Chính phủ cũng như ý kiến trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ, đến nay chưa giải ngân đủ 10% so với tổng nguồn lực đã quyết trong Nghị quyết của Quốc hội. Bày tỏ quan ngại bởi thời gian không còn nhiều, đại biểu cũng lo lắng vì có những nội dung mà chạy theo tiến độ thời gian thì chưa chắc đã đảm bảo được về mặt chất lượng, nếu không cẩn thận thì có những sai sót không đáng có xảy ra.

Ngoài ra, một trong số vấn đề được cử tri quan tâm nữa là những sai phạm, vi phạm trên thị trường chứng khoán. Những vụ việc này đang được các cơ quan điều tra và các cơ quan pháp luật làm rõ, tuy vậy cũng có tác động ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư. Trước những khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật đối với lĩnh vực chứng khoán, đại biểu cho rằng những bất cập hiện nay có thể đến từ thể chế, nhưng cũng có thể từ khâu tổ chức thực hiện, do đó cơ quan quản lý nhà nước cần báo cáo rõ với đại biểu Quốc hội để bàn về giải pháp khắc phục.

Bên cạnh những nội dung liên quan đến lĩnh vực Tài chính, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai kỳ vọng, tại phiên chất vấn lần này, cùng với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các thành viên Chính phủ khác như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,.. là những đơn vị cùng đồng hành triển khai Nghị quyết 43 sẽ làm rõ hơn địa chỉ, rõ hơn những điểm nghẽn, rõ hơn về giải pháp cụ thể để thực hiện tốt Nghị quyết số 43/2022/QH15 theo đúng yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cũng như kỳ vọng của nhân dân cả nước.