Quy định rõ các trường hợp được chỉ định thầu
Báo cáo về một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội quy định một số trường hợp cho phép đấu thầu trước khi dự án, dự toán được phê duyệt để rút ngắn thời gian thực hiện trong một số trường hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và một số đại biểu Quốc hội đề nghị hạn chế sử dụng hình thức này, tránh tạo kẽ hở trong thực thi Luật.
Tiếp thu ý kiến này, dự thảo được chỉnh lý theo hướng quy định đấu thầu trước chỉ áp dụng đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi như quy định tại Luật số 03/2022/QH15.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội đề nghị hạn chế sử dụng hình thức cho phép đấu thầu trước khi dự án, dự toán được phê duyệt, tránh tạo kẽ hở trong thực thi Luật. |
Về chỉ định thầu, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo Luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp, cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật mới chỉnh lý theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, trong đó đã loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với: “gói thầu tái định cư”; quy định rõ về “Gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Nghị quyết của Quốc hội khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”. Đồng thời, bổ sung luật hóa quy định đang được hướng dẫn tại nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu.
Đối với quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, dự thảo quy định rõ điều kiện áp dụng trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu không thể thực hiện theo các hình thức thông thường khác và chỉ đối với các trường hợp cụ thể như: Gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; Gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh và luật hóa một số trường hợp thật sự cần thiết quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Đại biểu đề nghị không cho phép đấu thầu trước khi phê duyệt dự án
Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) tán thành hướng tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật về quy định chỉ định thầu, đấu thầu trước. Theo đại biểu, quy định đấu thầu trước khi dự án, dự toán được phê duyệt nhằm rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên cũng phát sinh những rủi ro khi dự án, dự toán mua sắm không được phê duyệt, có thể phát sinh tiêu cực trong việc thực thi luật. Do đó, cần thiết chỉ quy định đấu thầu trước đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi như quy định tại Luật số 03/2022/QH15.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) |
Tuy nhiên, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, quy định về đầu thầu trước là chưa có đủ căn cứ. Nếu tổ chức đầu thầu trước mà dự án chưa được phê duyệt, chưa rõ nguồn đầu tư, thỏa thuận quốc tế về vốn chưa được ký kết… thì không có cơ sở để thực hiện.
Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, thực tế thời gian qua việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ lụy. Nếu tổ chức đấu thầu trước nhưng hồ sơ mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến, hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, giá trị xây lắp tăng, giá nhân công tăng dẫn tới đội vốn… thì sẽ rất khó khăn, dễ phát sinh nhiều tiêu cực. Vì vậy, đại biểu đề nghị UBTVQH cân nhắc quy định không nên quy định đấu thầu trước trong dự thảo luật.
Đối với chỉ định thầu, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị cân nhắc kỹ, bởi vướng mắc trong đấu thầu chủ yếu trong khu vực nhà nước, ở khâu tổ chức thực hiện. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị phải rõ, phải bảo đảm công khai minh bạch, cạnh tranh, tuân thủ các quy định cam kết quốc tế.
Trong đó, đại biểu nhấn mạnh phải xem xét lại quy định áp dụng chỉ định thầu với gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu cho rằng việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng thẩm quyền của Quốc hội gắn với các vấn đề chung về quốc kế dân sinh, khác với việc cho chủ trương chỉ định thầu, vốn gắn với việc tổ chức thực hiện, tiến độ, chất lượng… “Cần phải ‘đúng vai, thuộc bài’, tránh việc cái gì cũng xin Quốc hội, có vấn đề gì thì trách nhiệm của Quốc hội ở đâu?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Phạm Văn Hòa lại nêu khía cạnh khác khi nhấn mạnh chỉ định thầu là cần thiết, nhưng thực tế có nhiều trường hợp chủ đầu tư không dám chỉ định thầu vì có nhiều quy định ràng buộc, trách nhiệm của chủ đầu tư rất lớn nếu trong quá trình thực hiện dự án nhà thầu gặp rủi ro. Trong nhiều trường hợp, tỷ lệ giảm chi phí sau khi đấu thầu chỉ được 1%, trong khi chỉ định thầu có thể giảm 5%, vậy tại sao không cho chỉ định thầu, đại biểu nêu vấn đề và đề nghị phải có quy định cụ thể hơn để tạo thuận lợi cho triển khai chỉ định thầu.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho biết, dự thảo Luật quy định chỉ định thầu với gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng. Theo đại biểu, gói thầu về mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia là gói thầu đặc biệt, có thể phải chỉ định thầu trong suốt quá trình. Tuy nhiên gói thầu về khắc phục sự cố thiên tai hoặc bất khả kháng thì chỉ cần trong một thời gian ngắn. Do vậy, để đảm bảo chặt chẽ, dự thảo Luật cần quy địch tách ra, tránh tạo kẽ hở dễ bị lợi dụng.
Về đấu thầu trước, Điều 42 của dự thảo quy định "Trường hợp cần thiết để rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi, chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án có thể thực hiện một hoặc một số công việc lựa chọn nhà thầu trước khi có quyết định phê duyệt dự án hoặc trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi. Các hoạt động thực hiện trước gồm: lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn". |