Trái phiếu doanh nghiệp: Đừng vì lợi nhuận, phớt lờ cảnh báo rủi ro Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 4 đến từ ngân hàng Kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp để ngăn chặn rủi ro cho thị trường bất động sản

Tiến độ triển khai chương trình phục hồi còn chậm

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tình hình 4 tháng đầu năm 2022, Chính phủ cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021, qua đó tạo niềm tin vào chính sách phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và tạo đà tích cực cho quý II và cả năm.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; kịp thời ban hành chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), góp phần giảm bớt áp lực tăng giá xăng dầu, thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cho doanh nghiệp, người dân.

Về thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể.

Đến nay, các bộ, cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo một số nội dung cụ thể về văn bản pháp luật để triển khai nhiều chính sách thuộc chương trình như: nghị định về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế (bao gồm thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt), tiền thuê đất; quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; nghị định về hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại; các quyết định về hỗ trợ lãi suất, phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu và giao bổ sung kế hoạch tín dụng năm 2022 cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cho vay học sinh, sinh viên để mua máy tính học tập trực tuyến…

Về các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công thuộc chương trình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan và địa phương tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Một số dự thảo văn bản đang được các cơ quan chủ trì lấy ý kiến bộ, cơ quan và địa phương liên quan như: thông tư sửa đổi Thông tư số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; thông tư hướng dẫn triển khai việc trang bị máy tính bảng theo chương trình "Sóng và máy tính cho em"…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Trình bày báo cáo thẩm tra các nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được. Về chương trình phục hồi, cơ quan thẩm tra đánh giá việc thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. Chưa thống nhất trình danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc chương trình và phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công dẫn tới khó hoàn thành yêu cầu theo mốc thời hạn của nghị quyết, ảnh hưởng đến kết quả hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như mục tiêu đặt ra. Việc thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em" còn chậm; chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) thực tế vẫn còn những vướng mắc.

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm chậm tiến độ, giải ngân đầu tư công

Về tình hình kinh tế xã hội, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh lưu ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản về thuế, phí để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn.

Đối với đầu tư công, dẫn tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 18,48% tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ các bộ, cơ quan, nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm giải ngân. Ủy ban đề nghị báo cáo chi tiết về tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân, khả năng hoàn thành kế hoạch một số dự án trọng điểm, tình hình triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia; trong đó có việc thiếu hụt vật liệu thi công, chậm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; tình trạng chậm tiến độ dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chậm, dẫn tới phải chuyển nguồn toàn bộ 24.000 tỷ đồng sang năm 2022. “Đề nghị chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tập thể dẫn tới việc chậm trễ nêu trên” - Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Nhấn mạnh năm 2022 nhiệm vụ giải ngân là rất nặng nề, Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch; việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng làm chậm giải ngân đầu tư công và ảnh hưởng đến chi phí đầu tư công. Có ý kiến cho rằng, thời gian vừa qua xảy ra tình trạng chuyển các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công, do đó cần đánh giá việc tổ chức thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Phó Chủ tịch Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Về lĩnh vực tài chính, tiền tệ, cơ quan thẩm tra đánh giá thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm; số lượng lớn các nhà đầu tư mới (khoảng 1,5 triệu) không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định. Cũng theo Ủy ban Kinh tế, cần đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.

Với lĩnh vực ngân hàng, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ các khoản nợ tiềm ẩn hiện nay bao gồm cả nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 14; làm rõ tỷ lệ tín dụng bất động sản hiện nay cũng như việc mua, bán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của chính tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán thành viên.

Một vấn đề nữa được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh là cần nhìn nhận, quan tâm thỏa đáng tới tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, nhất là do ảnh hưởng do dịch Covid-19; áp lực học hành, thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, bệnh thành tích, kỳ vọng quá lớn của cha, mẹ, bạo hành gia đình, vấn đề thông tin mạng…

Ngoài ra, đề nghị lưu ý tới vấn đề công khai, minh bạch thông tin, bảo đảm cung cấp thông tin ngay giữa các cơ quan nhà nước; việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật vì lợi ích chung; báo cáo về việc thu hút lao động tự do quay lại làm việc tại các tỉnh, thành phố lớn; bổ sung số liệu, đánh giá về chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm; vấn đề ô nhiễm môi trường, tình trạng chặt phá rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn ở một số địa phương; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, nhất là với người trẻ tuổi…

Trong lĩnh vực đất đai, trước việc sử dụng đất tại một số nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho NSNN; hiệu quả sử dụng đất của các dự án dở dang còn nhiều hạn chế, các lô đất đã trúng thầu hoặc trúng đấu giá nhưng lại sang nhượng qua tay để thu lợi, đầu tư dở dang hoặc bỏ đất trống, gây lãng phí, không phát huy được nguồn lực quan trọng này.