Thông tin cảnh báo từ rất sớm

Dù vẫn được đánh giá rất tiềm năng, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang cho thấy những rủi ro phát sinh từ thực tế, không còn ở dạng cảnh báo. Điển hình là diễn biến sau vụ việc liên quan tới 9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy.

Trái phiếu doanh nghiệp: Đừng vì lợi nhuận, phớt lờ cảnh báo rủi ro

Nhìn lại, không phải gần đây, những rủi ro trên thị trường trái phiếu riêng lẻ mới được cảnh báo, mà ngược lại các cơ quan quản lý, các chuyên gia và nhiều tổ chức trung gian đã “lên tiếng” từ rất sớm.

Theo đó, ngay từ cuối năm 2019, khi thị trường TPDN bắt đầu được nhà đầu tư (NĐT), đặc biệt là NĐT cá nhân quan tâm, Bộ Tài chính đã kịp thời phát đi những cảnh báo đầu tiên. Tiếp đó, trong bối cảnh thị trường này tăng mạnh, trong năm 2020, không dưới 3 lần, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo cảnh báo rủi ro về thị trường này hướng tới cả doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ và đặc biệt là NĐT cá nhân. Chưa dừng ở đó, năm 2021, Bộ Tài chính đã liên tiếp gia tăng tần suất và cường độ cảnh báo rủi ro đối với các NĐT tham gia TPDN.

Đáng chú ý, vào đầu tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện về quản lý, thanh tra, kiểm tra phát hành TPDN. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trên thị trường này.

Báo ngay cho cơ quan chức năng nếu có dấu hiệu gian lận

Nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu, tổ chức đại diện chủ sở hữu trái phiếu giám sát tình hình tài chính, tình hình sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành. Trường hợp doanh nghiệp phát hành có dấu hiệu sử dụng vốn sai mục đích, phải đề nghị doanh nghiệp phát hành có báo cáo, giải trình, biện pháp khắc phục; trường hợp có dấu hiệu gian lận, cần báo cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Về phía Bộ Tài chính, trong năm 2021 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã hai lần có văn bản chỉ đạo (tháng 9 và tháng 12/2021) các cơ quan chức năng thuộc ngành Tài chính tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường TPDN.

Tại các văn bản này, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam… đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN để đảm bảo thị trường này trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho NĐT. Vào đầu năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục có những thông tin cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường này.

Mới đây nhất, ngày 7/4/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có công điện chấn chỉnh hoạt động của thị trường TPDN. Ngay sau đó, ngày 8/4/2021, Bộ Tài chính cũng có thêm thông cáo về việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường quản lý giám sát để phát triển thị trường TPDN an toàn, hiệu quả.

Trong các lần phát đi thông điệp cảnh báo, cơ quan quản lý đều nhấn mạnh, doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu là theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Do đó, NĐT phải đặc biệt quan tâm và tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính, thông tin về trái phiếu phát hành, tài sản đảm bảo, đơn vị tư vấn, bảo lãnh,… trước khi quyết định mua TPDN.

Không chỉ dừng ở cảnh báo, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã có văn bản chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan tới TPDN. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ. Qua các đoàn kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính nặng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai doanh nghiệp và một công ty chứng khoán. Vào thời điểm đó, bên cạnh việc xử phạt, UBCKNN cũng đã phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để tiếp tục xem xét các trường hợp vi phạm.

Ngày 3/4/2022, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, UBCKNN đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Sau đó, nhiều lãnh đạo của Tân Hoàng Minh bị khởi tố, bắt giam. Vụ việc đã trở thành lời cảnh tỉnh cho những tổ chức, cá nhân tham gia trái phiếu riêng lẻ nhưng “phớt lờ” những cảnh báo trước đó.

Khẩn trương hoàn thiện pháp lý và tăng giải pháp chấn chỉnh

Sau 1 năm triển khai các quy định mới về phát hành TPDN tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn, Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường TPDN bền vững.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang đề xuất thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho NĐT khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành.

Đồng thời, văn bản pháp lý sẽ có hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu, ngân hàng quản lý tài khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu. Ngoài ra, văn bản mới sẽ quy định rõ loại trái phiếu NĐT cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng NĐT cá nhân mua các TPDN có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn.

Bên cạnh đó, văn bản mới sẽ bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán cho các NĐT chứng khoán chuyên nghiệp; cũng như bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp.

Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo UBCKNN xây dựng thông tư giao dịch trái phiếu riêng lẻ, rà soát để sửa đổi một số quy định tại Luật Chứng khoán, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường tính công khai minh bạch và giảm thiểu các rủi ro đối với thị trường TPDN.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, đại diện lãnh đạo UBCKNN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát các doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán TPDN.

“Riêng đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ về TPDN, ủy ban đã có kế hoạch để tiếp tục rà soát, kiểm tra về việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật. Nếu công ty chứng khoán nào vi phạm, nhất là việc “lách” các quy định về NĐT chứng khoán chuyên nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, kỷ cương, kỷ luật cho thị trường” - đại diện UBCKNN nhấn mạnh.

Cẩn trọng với hình thức “hợp đồng đầu tư trái phiếu”

Nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng với các hình thức chào mời thông qua việc ký kết “Hợp đồng đầu tư trái phiếu” với các tổ chức (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp khác) theo hình thức thỏa thuận dân sự không được coi là chủ sở hữu trái phiếu, hoặc theo các hình thức đầu tư khác không rõ ràng theo quy định của pháp luật là hết sức rủi ro, dẫn đến việc có thể bị mất tiền và không được pháp luật bảo vệ.