Tiếp tục tìm giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh Kiến nghị giải pháp phát triển bền vững thị trường chứng khoán Ủy ban Chứng khoán tiếp tục chủ động các giải pháp hỗ trợ thị trường phát triển ổn định

Đề xuất giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hình thức tập trung

Nêu lại những kết quả đạt được trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, có tác dụng làm giảm áp lực đối với kênh tín dụng của ngân hàng, góp phần tài trợ vốn cho phát triển nền kinh tế và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Những bước phát triển của thị trường trái phiếu trong hơn 10 năm qua là công sức gây dựng rất vất vả của các doanh nghiệp, các lãnh đạo bộ, ngành.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra trên thị trường thời gian vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng theo quy định của pháp luật, gây ra nhiều lo ngại rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ bị tổn thương. Điều này còn có thể gây ra mất cân đối với nền kinh tế khi dòng vốn đi lệch vào những thị trường rủi ro có tính đầu cơ cao. Ở mức độ lớn hơn, những vi phạm trên thị trường có thể gây ra mất thanh khoản lớn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, điều đã xảy ra tại một số quốc gia trong khu vực và có thể gây ra bất ổn cho kinh tế.

Trước những vấn đề này, đại biểu đánh giá cao những biện pháp quản lý của Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong thời gian vừa qua. Cụ thể như, Bộ Tài chính đã có 5 lần cảnh báo về rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông.

Đề xuất giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh
Đại biểu Nguyễn Hải Nam phát biểu tại hội trường.

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, bền vững, đại biểu đề xuất 4 giải pháp.

Thứ nhất, cần tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hình thức giao dịch tập trung để tăng cường công khai, minh bạch cũng như tăng cường quản lý, giám sát chặt thị trường này.

Thứ hai, đối với những tổ chức phân phối chào bán trái phiếu doanh nghiệp cần có giám sát chặt chẽ hơn để tránh những hành vi có tính chất như lôi kéo, xúi giục người dân mua trái phiếu và dẫn những đối tượng này vào rủi ro đối với họ. Theo thông lệ quốc tế những hành vi này không được cho phép, đại biểu nói.

Giải pháp thứ ba là đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ chuyên nghiệp cũng cần giám sát chặt chẽ. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp là những người có năng lực về vốn, cũng như có trình độ quản lý rủi ro về đầu tư tài chính.

Thứ tư là đối với những doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần có biện pháp tối thiểu về kiểm soát quy mô dư nợ trên vốn chủ, chế độ báo cáo, công bố thông tin cần thiết vẫn đảm bảo phát triển mạnh mẽ kênh trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn quan trọng. Đồng thời không để quá linh hoạt như hiện nay dẫn đến nhiều rủi ro như thời gian vừa qua.

Siết chặt quy định về điều kiện phát hành

Tăng cường quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là vấn đề đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) quan tâm. Đại biểu cho rằng sự tăng trưởng nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng sản phẩm khi có nhiều loại trái phiếu phát hành không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm.

Theo đại biểu, ngay khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp manh nha những rủi ro thì cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời phát đi những cảnh báo. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện để tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù vậy, qua những vụ việc như Tân Hoàng Minh vừa qua cho thấy, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã bị lợi dụng, dẫn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ những bất cập, hạn chế.

Trần Thị Hồng Thanh
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới được an toàn, bền vững, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần rà soát lại các cơ chế chính sách, tập trung sơ kết, tổng kết để sớm sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, cần tiếp tục siết chặt hơn các quy định quản lý nhà nước về phát hành, như: Về điều kiện để được phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, bắt buộc phải có đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi một tổ chức độc lập. Cần có quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhưng Nhà nước cũng phải có cơ chế giám sát hoạt động của các tổ chức này. Cần sửa đổi quy định để nâng cao mức độ công khai hóa, minh bạch hóa thông tin cũng như các quy định an toàn tài chính. Có những sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền huy động đúng mục đích.

Cơ quan chức năng cũng cần có quy định khoa học, chặt chẽ để kiểm soát, giám sát mục đích, hiệu quả sử dụng nguồn vốn trái phiếu do doanh nghiệp huy động bổ sung. Cụ thể hóa và đề cao hơn nữa quy định về trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan. Sửa đổi, bổ sung quy định và nâng cao năng lực của nhà đầu tư cả về năng lực tài chính và năng lực chuyên môn. Tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức hiểu biết và kỹ năng tài chính khi tham gia thị trường.

Giải pháp thứ hai, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp. Trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm thì khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng không lạm dụng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trên thị trường, cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm nhưng chưa cấu thành tội phạm thì bên cạnh việc xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hành chính cũng cần tạo điều kiện để khắc phục và ổn định sản xuất, kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp phát triển trở lại, bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư và việc làm cho người lao động, duy trì động lực phục hồi và phát triển kinh tế.

Cho rằng những vi phạm trên thị trường trái phiếu hiện nay chỉ là cá biệt, riêng lẻ và việc xử lý nghiêm minh là hành động cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, ổn định thị trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh kiến nghị Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời cho các nhà đầu tư, nhất là các quy định của pháp luật, động thái quản lý nhà nước có liên quan để ổn định tâm lý nhà đầu tư và cũng để giúp nhà đầu tư có sự lựa chọn đúng đắn, cân nhắc, chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình.

Để tăng tính thanh khoản, quay đồng vốn và chia sẻ hạn chế rủi ro trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường tài chính nói chung, đại biểu nhấn mạnh cần phải có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Hiện nay thị trường mua bán nợ nước ta còn sơ khai, công cụ và hành lang pháp lý chưa đảm bảo. Do vậy, đòi hỏi thực tiễn đặt ra là chúng ta phải sớm xây dựng khung khổ pháp lý để hình thành, phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, đại biểu khẳng định./.