Ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn du lịch năm 2023 với chủ đề “Phát triển Du lịch văn hóa Việt Nam”. Tại diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới. Các nước trên thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN đều tập trung những giải pháp ưu tiên phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng trở lại của ngành du lịch.

“Vì vậy, du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch trong việc thu hút thị trường khách nước ngoài cũng như phát triển du lịch nội địa... Theo thống kê của tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), thời điểm trước dịch Covid-19, du lịch văn hóa đã đóng góp 37% trong du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm” - ông Khánh cho hay.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch sớm đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của đất nước. Vì vậy theo ông Khánh, việc phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa trở nên vô cùng cấp thiết.

Ông Khánh cho biết, xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, ngành du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra xu hướng mới về du lịch văn hóa
Du lịch văn hóa được xác định là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: T.L

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng nêu thông tin, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong số khách du lịch văn hóa nói chung, khách đến tham quan các viện bảo tàng chiếm khoảng 59%; thăm các di tích lịch sử, di sản văn hóa chiếm khoảng 56% - cao hơn nhiều đi dự các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Do đó, để thu hút khách du lịch văn hóa, một số quốc gia đã đầu tư các chương trình nghệ thuật tổng hợp (show biểu diễn thực cảnh) kể một câu chuyện về lịch sử, văn hóa của dân tộc, địa phương.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hóa để thu hút khách, làm nổi bật các giá trị văn hóa Việt Nam./.

Ở nước ta, cũng đã có những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như: tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN; hành trình di sản miền Trung; các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt...

Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An”, “Áo dài”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Múa rối nước”. Các tour du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.