hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2018

Các doanh nghiệp tham dự hội nghị đối thoại sáng 27/11 tại Hà Nội. Ảnh: Đức Minh.

Chuẩn hóa, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến

Theo ông Cao Anh Tuấn, thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ, ngành Thuế đã chủ động tăng cường cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Nhờ đó, từ cuối năm 2017 số thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế đã giảm từ 385 xuống còn 298, giảm 87 thủ tục hành chính so với thời điểm 31/12/2015.

“Năm 2018 Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính cắt giảm 7 thủ tục, đơn giản 2 thủ tục liên quan đến khai thuế giá trị gia tăng. Tổng số 298 TTHC thuộc lĩnh vực thuế đều đã được chuẩn hóa và đã có tới 125 TTHC được thực hiện bằng phương thức dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cấp độ 3 và 4. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục rà soát, đơn giản hoá 30 thủ tục để nâng cao hơn nữa số lượng TTHC đáp ứng DVCTT cấp độ 3, 4” - ông Tuấn nói.

ông cao anh tuấn

Ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, hệ thống khai thuế qua mạng đã triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt tỷ lệ trên 98% số doanh nghiệp đang hoạt động.

Tổng cục Thuế cũng mở rộng dịch vụ hoàn thuế điện tử tại 63 tỉnh, thành phố, tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. “Hiện nay, Tổng cục Thuế đã triển khai dịch vụ thuế điện tử (eTax) cho người nộp thuế tại 30 cục thuế, dự kiến đến hết quý I/2019 sẽ hoàn thành việc triển khai áp dụng cho người nộp thuế trên cả nước” - ông Tuấn nói.

Nói về số giờ nộp thuế, ông Tuấn cho biết, trong những năm qua với các giải pháp đồng bộ cả về chính sách lẫn ứng dụng công nghệ thông tin, theo kết quả tính toán dựa trên Bảng tính toán số giờ nộp thuế của Việt Nam, tính đến cuối năm 2016, thực tế số giờ nộp thuế của Việt Nam đã giảm được 420 giờ, còn 117 giờ.

“Tuy nhiên, theo nguyên tắc tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) luôn có độ trễ 2 năm. Vì thế, một số cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế đã được áp dụng vài năm nay nhưng vẫn chưa được WB ghi nhận” - ông Tuấn cho biết.

Doanh nghiệp cũng cần điện tử hóa công tác kế toán

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 vừa được WB công bố, thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế của Việt Nam hiện còn 351 giờ. Trong số 351 giờ, có đến 334 giờ là thời gian dành cho việc tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai. Thời gian cho việc nộp tờ khai và nộp thuế chỉ còn 17 giờ. “Để có kết quả này chính là việc nhiều năm qua ngành Thuế đã tích cực triển khai các dịch vụ khai thuế, nộp thuế bằng phương thức điện tử cho tất cả các doanh nghiệp” - ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, để thực hiện cải thiện chỉ số thời gian nộp thuế thời gian tới, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp về cả mức độ và độ dễ dàng tiếp cận chính sách; đồng thời tăng cường thực hiện điện tử hóa các TTHC cho doanh nghiệp.

Vẫn còn có doanh nghiệp chưa chấp hành tốt pháp luật thuế

Ông Cao Anh Tuấn cũng cho biết, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đều có ý thức chấp hành chính sách, pháp luật thuế, tuân thủ các luật thuế. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp do hạn chế trong việc hiểu biết và cập nhật các quy định về thuế, nên qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan thuế vẫn phát hiện các vấn đề về kê khai sai, khai thiếu tiền thuế, phải xử lý truy thu và nhắc nhở. Đồng thời, vẫn còn một số các doanh nghiệp chưa tuân thủ thời gian nộp thuế dẫn đến số nợ thuế tăng so với năm trước, vì thế, ngành Thuế mong muốn các doanh nghiệp luôn phát triển bền vững và nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật thuế của Nhà nước.

“Ngoài giải pháp từ phía Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, cũng rất cần sự đổi mới từ phía các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần phải ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán, đồng bộ việc ghi sổ kế toán với việc tính toán nghĩa vụ thuế, từ đó mới có thế giảm được thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế, góp phần giảm thời gian nộp thuế” - ông Tuấn nói.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, ngoài việc triển khai công tác cải cách hành chính thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, trong năm qua ngành Thuế đã tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng, sửa đổi chính sách thuế để khắc phục những điểm bất cập, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

“Như chúng ta đã biết, vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử. Theo đó, việc thực hiện hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp phải được hoàn thành chậm nhất là hết ngày 31/10/2020. Như vậy, từ nay đến hết tháng 10/2020 là thời gian cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác để áp dụng”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trong khoảng thời gian này, nếu doanh nghiệp nào đã chuẩn bị xong, đủ điều kiện thì có thể áp dụng ngay việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử.

Đối với đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, Nghị định 119 quy định các doanh nghiệp kinh doanh thuộc lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, vận tải, tài chính tín dụng, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị... và các doanh nghiệp đã hoặc sẽ giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử, có hệ thống phần mềm kế toán đáp ứng yêu cầu thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.

“Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế tiếp tục trình Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 119 để hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo việc triển khai hóa đơn điện tử được thuận lợi” - ông Tuấn cho biết./.

Nhật Minh