Tại hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay diễn ra chiều 12/9, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế đã nêu nhiều ý kiến phân tích về tình hình kinh tế thế giới, Việt Nam, dự báo triển vọng sắp tới và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, thúc đẩy tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á được IMF tăng dự báo tăng trưởng

Theo ông Francois Phainchaud - Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á và khu vực ASEAN mà IMF đã tăng dự báo tăng trưởng trong tháng 7 vừa qua. Với năm 2023, IMF giảm dự báo xuống còn 6,7% do mức tăng cao của năm 2022, nhưng vẫn là mức rất cao so với các khu vực khác và so với các nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á.

Đại diện IMF cho rằng, lạm phát đã được kiểm soát rất tốt ở Việt Nam, với các giải pháp liên quan tới giá dịch vụ, giao thông, giá xăng dầu và tỷ giá được giữ ổn định. Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực để kéo giảm lạm phát, giữ ổn định vĩ mô. Các điều kiện tài chính cũng được điều hành chặt chẽ.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đồ họa: Thế Dương

Có được kết quả này, theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, không phải là sự ngẫu nhiên mà là một kết quả tất nhiên của việc chúng ta điều hành kinh tế, kiên định trong ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện nhiều biện pháp điều hành linh hoạt, gần như là một "nghệ thuật" điều hành. Đồng thời Chính phủ đã thể hiện sự lắng nghe, cầu thị đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học và đặc biệt là tạo được niềm tin với người dân, doanh nghiệp.

Nhấn mạnh những kết quả đạt được vừa qua, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, với những kết quả báo cáo vĩ mô đã có đến nay, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 32 của Quốc hội hoàn toàn có khả năng đạt được, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế có thể đạt được trên 7%. “Nhìn lại cách đây 1 năm mới thấy rằng, để có kết quả này, Chính phủ đã có quyết định rất sáng suốt. Bởi thời điểm đó nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi chính sách Zero Covid thì không có thành quả như ngày hôm nay. Quyết định ban hành Nghị quyết 128 của Chính phủ để thích ứng an toàn, linh hoạt hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19 chính là quyết sách đem lại thành công, đem lại kết quả ngày hôm nay” - ông Trần Hoàng Ngân nêu rõ.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước

Bên cạnh những kết quả tích cực này, các chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng thống nhất đánh giá thời gian tới có rất nhiều khó khăn, áp lực. TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhận xét, thế giới đang trong thời kỳ bất ổn và chúng ta không biết bất ổn kéo dài đến bao giờ và như thế nào? Từ đầu năm, tất cả hệ thống kinh tế vĩ mô của chúng ta đã chống chọi lại bất ổn của thế giới tương đối thành công, nhưng thách thức sắp tới là rất lớn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang quá nhiều yếu tố bất định, PGS.TS Trần Hoàng Ngân thống nhất cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ đã nêu là “chúng ta đi tìm sự ổn định trong điều kiện có nhiều yếu tố bất định”. Nhưng để làm được điều đó, ông cho rằng việc quan trọng là nâng được thể trạng của nền kinh tế, nâng được sức khỏe của doanh nghiệp, nâng được sức khỏe của người dân.

Bộ Tài chính đã có những cải cách quan trọng giúp tăng thu ngân sách

Đánh giá về chính sách tài khóa, TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong thời gian vừa qua Bộ Tài chính đã có những cải cách quan trọng, từ đó giúp tăng thu ngân sách trong điều kiện chúng ta thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế phí lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Mức thu ngân sách 8 tháng đạt rất cao, luỹ kế 8 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán, tăng 19,4% so cùng kỳ năm 2021.

Nhờ mức thu ngân sách tốt mà từ đó chúng ta có dư địa để tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân, có nguồn lực cho đầu tư phát triển, phục hồi kinh tế. Đó là những kết quả rất tích cực chính sách tài khóa đã đạt được.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là giải ngân vốn đầu tư công đến nay mới đạt 40%, trong khi đây là động lực để thúc đẩy tăng trưởng, là động lực để huy động vốn xã hội, là công cụ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, một trong những rủi ro lớn nhất trong giai đoạn cuối năm nay và năm tới là nguy cơ về suy thoái kinh tế thế giới kéo theo tăng trưởng chậm và những khó khăn khác cho kinh tế Việt Nam. Ông phân tích, suy thoái kinh tế thế giới có thể thấy khá rõ và điều này sẽ thu hẹp thị trường thế giới, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Điều này ảnh hưởng mạnh nhất đến khu vực FDI vì nhiều sản phẩm liên quan đến xuất khẩu, còn với khu vực trong nước, tác động này có thể thấp hơn.

Chính vì thế, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, giai đoạn này có thể cần nới lỏng việc kiểm soát lạm phát và tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong nước để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp này phục hồi, để nếu như nền kinh tế thế giới có đi vào lạm phát, khủng hoảng thì chúng ta cũng giữ được thị trường trong nước.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Cường đề xuất giải pháp chính là cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn. Theo đó, ông Cường nhấn mạnh đề xuất đã nêu trước đây là thực hiện đúng chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt nhưng không phải thắt chặt.

Cùng với đó, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, bài học cực kỳ quan trọng là phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là khâu quyết định bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế.

Phấn đấu mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 vượt 7,5%

Đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế sẽ khó khăn hơn trong quý IV/2022 và năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu một số quan điểm quan trọng trong điều hành và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Theo đó, quan điểm điều hành là yêu cầu thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra; bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp để vừa phục hồi, vừa tăng trưởng vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Trong điều hành kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cần chủ động theo dõi diễn biến, tình hình trong nước, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau và với các cơ quan liên quan để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.

Diễn biến nhanh, khó lường của tình hình kinh tế đòi hỏi phản ứng chính sách phải nhanh, có trọng tâm, hiệu quả, kịp thời. Đòi hỏi các bộ, cơ quan quản lý ngành cần chủ động, linh hoạt trong hành động.

Mục tiêu phấn đấu là hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 vượt 7,5%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2022 tăng dưới 4%. Giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước hằng năm đạt 95% - 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn ngân sách địa phương đạt 100%.