Giá xăng dầu tác động tới toàn bộ nền kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng mạnh theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính khiến CPI tháng 2 tăng 1% so với tháng trước và cao hơn 1,2% so với cuối năm 2021. Đó là chưa kể, kỳ điều hành gần đây nhất, giá xăng dầu lại tiếp tục lập đỉnh mới, cao nhất từ trước đến nay.

Trong chỉ số giá tháng 2, giá xăng dầu tăng cao đã kéo giá vận tải hành khách đường bộ tăng 3,92% so với tháng trước, khi một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu theo giá xăng dầu và ảnh hưởng của dịch bệnh đến số lượng hành khách.

Những ngày gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mặt hàng kit-test xét nghiệm đang tăng chóng mặt. Mặt hàng này có giá rất khác nhau, từ 65.000 - 130.000 đồng/kit-test, nhưng các mẫu giá thấp gần như không có hàng. Cùng với đó, giá nhiều loại thuốc phục vụ điều trị F0 tại nhà cũng tăng do khan hiếm hàng.

Tại các chợ dân sinh, giá thịt cá tăng nhẹ. Giá rau ở Hà Nội đã giảm nhẹ so với thời điểm rét đậm rét hại kéo dài. Trong các siêu thị, giá cả các mặt hàng vẫn bình ổn, không có biến động.

Nguồn: Tổng cục Thống kế Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Thống kế. Đồ họa: Hồng Vân

Tuy nhiên, với mức giá gần 27.000 đồng/lít xăng, cao nhất từ trước đến nay, những lo ngại về một mặt bằng giá mới là có cơ sở. Theo tính toán của giới chuyên gia, khi giá xăng dầu tăng 10% (cố định các yếu tố khác), thì lạm phát của nền kinh tế sẽ tăng trực tiếp của vòng 1 khoảng 0,35% - 0,36%, nếu tính cả vòng 2 thì lạm phát khoảng 0,87% - 0,90%, tác động đối với tổng chi phí của nền kinh tế tăng khoảng 0,352%.

Xăng dầu tăng tác động đến nhóm giao thông vận tải như: vận tải hành khách bằng đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi… và vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, giá xăng tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI tăng theo.

Bài toán đặt ra là, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì ngành vận tải, giá thành sẽ tăng 3,5% - 4% và ngành thủy sản đánh bắt xa bờ sẽ tăng khoảng 5% - 6%... Còn đối với tiêu dùng, xăng dầu của các hộ gia đình không chỉ làm tăng thêm chi tiêu về xăng dầu cho việc đi lại hàng ngày 10%, mà còn bị tác động thêm bất lợi kép khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng do tác động của giá xăng dầu tăng.

Cân đối cung cầu, ổn định giá cả

Để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, theo chuyên kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ và các bộ ngành cần điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung. Đồng thời, chúng ta cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Kiểm soát giá xăng sẽ kiểm soát tốt lạm phát

Để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, kiểm soát lạm phát, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Đặc biệt quan tâm đến mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Đồng thời, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia kinh tế, trong quản lý mặt hàng này, cần bám sát diễn biến thực tế và tăng cường tuyên truyền về việc đảm bảo nguồn cung, không có tình trạng khan hiếm xăng dầu. Đặc biệt, cần khuyến khích tiết kiệm, tiêu dùng xăng, dầu hợp lý, tránh tâm lý đẩy giá hàng hóa bất hợp lý theo giá xăng, dầu; triệt để chống hiện tượng găm hàng trục lợi dẫn đến khan hiếm nguồn cung cục bộ. Nếu kiểm soát tốt mặt hàng này, theo dự đoán, mục tiêu lạm phát năm 2022 thực hiện được là có cơ sở.

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công thương cần chủ động theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp, hạn chế tác động mạnh đến thị trường trong nước và bảo đảm dư địa kiểm soát lạm phát cả năm. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo nguồn cung và kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để tình trạng tạo khan hiếm hàng chờ tăng giá hưởng lợi của một số ít doanh nghiệp.

Đáng chú ý, ngày 3/3, Bộ Tài chính đã hoàn thiện gửi xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm từ 500 - 1.000 đồng/lít, kg tùy loại, tương ứng với mức giảm trên thực tế là từ 550 - 1.110 đồng/lít, kg, trong đó xăng giảm nhiều nhất là 1.000 đồng/lít (tương ứng với 1.110 đồng/lít trên thực tế). Việc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ góp phần trực tiếp giảm giá xăng dầu, thể hiện sự chia sẻ giữa Nhà nước; doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, CPI của Việt Nam năm 2022 tăng khoảng 3,5 - 4%; rủi ro vượt 4% phụ thuộc vào giá cả hàng hóa thế giới. Trong bối cảnh “bình thường mới”, khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, những năm gần đây trong những khuyến nghị của mình, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long luôn cho rằng, điều hành giá không được chủ quan.

Theo ông, bối cảnh hiện nay, cần đặc biệt nâng cao hiệu quả trong phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành cung tiền, lãi suất, trung hòa lượng tiền vào - ra, điều tiết giá cả. Về quản lý, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, các bộ, ngành cần tiếp tục điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Nâng mức cảnh báo lạm phát Việt Nam

Trong dự báo mới đây, Ngân hàng HSBC nâng nhẹ mức dự báo lạm phát bình quân 2022 của Việt Nam từ 2,7% lên 3%. Tuy nhiên, HSBC khẳng định rủi ro không đáng kể.

Ngân hàng này cho biết, trên thực tế, lạm phát nhiên liệu vẫn tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu lạm phát tháng 1 lên 1,9% so với cùng kỳ 2021. Mặc dù vậy, giá lương thực thực phẩm vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát do nhu cầu còn chưa tăng. Báo cáo cũng nhận định: “Mức này không cho thấy một rủi ro đáng kể cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ”.

Theo dự đoán của HSBC, tình hình lạm phát ở nhiều nước ASEAN như Thái Lan và Singapore bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều người, lạm phát nhiều khả năng "không phải mối lo lớn" với Việt Nam năm nay.

Các nước đều đối mặt với lạm phát tăng, không chỉ riêng Việt Nam. Áp lực lạm phát tăng cao hiển hiện tại nhiều nước, trong đó có cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Quỹ tiền tệ quốc tế trong Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 1/2022 đã nâng dự báo Chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu lên mức 3,9% ở các nền kinh tế phát triển và 5,9% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Trong bối cảnh rủi ro lạm phát gia tăng, nhiều quốc gia đã, đang và dự kiến nâng lãi suất, thắt chặt chính sách tài khóa.