Đầu năm 2025, các ngân hàng lớn trong và ngoài nước cùng các công ty bảo hiểm hàng đầu, cả trong lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ tích cực nối lại kênh phân phối chiến lược bancassurance bằng cách thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược mới, như PVcomBank - Generali; PJICO - Ngân hàng Shinhan; Prudential - HSBC, giúp đa dạng kênh phân phối và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.

Định hình lại hợp tác bancassurance, chú trọng quản lý chất lượng đại lý bảo hiểm
Từ năm 2017 tới nay, hoạt động bancassurance đóng góp từ 5 - 12% vào tổng thu nhập ngoài lãi toàn ngành ngân hàng mỗi năm. Ảnh tư liệu

Định hình lại hợp tác bảo hiểm - ngân hàng

Bancassurance (phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng) được giới phân tích đánh giá là một hoạt động kinh doanh ngoài lãi tương đối ổn định, do có tính cộng hưởng với các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng.

Phát triển sản phẩm phù hợp, minh bạch hóa quy trình bán hàng

"Nhằm phát triển hoạt động bancassurance một cách bền vững, bên cạnh minh bạch hóa quy trình tư vấn và bán hàng để gây dựng lại lòng tin của khách hàng. Chúng tôi cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành những hướng dẫn cụ thể, cho phép các ngân hàng thương mại được phân phối các sản phẩm đầu tư, trong đó có sản phẩm bảo hiểm tích hợp đầu tư, bởi sau những xáo trộn trong thời qua, hoạt động bán chéo qua ngân hàng thương mại đang bị hạn chế". Ông Nguyễn Anh Quân - Chuyên gia phân tích kiêm Phụ trách Xếp hạng Khối Định chế tài chính, FiinRatings

Giữa tháng 2/2025, PVcomBank và Generali Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Generali Việt Nam sẽ độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của PVcomBank trên toàn quốc trong 15 năm. Để chuẩn bị chu đáo cho sự hợp tác này, hai đơn vị phối hợp tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về sản phẩm, kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ tư vấn tài chính. Mục tiêu là đảm bảo chất lượng tư vấn tối ưu, giúp khách hàng tiếp cận giải pháp tài chính phù hợp nhất với nhu cầu.

Những thỏa thuận này không chỉ dừng ở việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm mà còn mở rộng sang lĩnh vực tài chính, đầu tư và quản lý tài sản, tạo ra một hệ sinh thái tài chính toàn diện. Những cái "bắt tay" này được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, giúp họ dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ qua hệ thống ngân hàng; đồng thời, được tư vấn bởi đội ngũ chuyên nghiệp và tận hưởng các gói bảo hiểm hiện đại trên nền tảng công nghệ tiên tiến.

Sự hợp tác không chỉ xoay quanh kênh phân phối mà còn hướng đến việc số hóa dịch vụ bảo hiểm, giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn thông qua nền tảng ngân hàng số. Điều này giúp tăng tính tiện lợi, minh bạch thông tin, giảm sự phụ thuộc vào đại lý truyền thông và cải thiện sự hài lòng của khách hàng đối với mô hình bancassurance.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, đại diện một doanh nghiệp phi nhân thọ triển khai bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng hơn 15 năm qua thông qua các phòng giao dịch của ngân hàng như: VietinBank, VPBank, MSB, Shinhan Bank... cho biết, đơn vị bán bảo hiểm qua kênh của ngân hàng và các đối tác khác đều thực hiện theo đúng quy định. Hiện các chương trình đào tạo được tổ chức thường xuyên và đẩy mạnh hơn để cả người dân hiểu về các sản phẩm bảo hiểm.

Cùng với đó, gần 100% các chi nhánh ngân hàng hợp tác bán bảo hiểm đều có quầy tư vấn riêng và lúc nào cũng có nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm túc trực, cùng nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách.

Ngăn chặn sớm sai phạm, bảo vệ quyền lợi khách hàng

Kênh bancassurance vẫn được coi là kênh phân phối "hái ra tiền", mang lại doanh thu lớn cho cả hai phía. Tuy nhiên, nhiều rủi ro còn tiềm ẩn, đặc biệt liên quan đến chất lượng đại lý tư vấn bảo hiểm. Nhiều lo ngại tư vấn sai, thiếu rõ ràng, minh bạch, hay tư vấn viên chỉ tập trung vào chỉ tiêu mà không quan tâm đến khả năng duy trì hợp đồng của khách hàng, một số khách hàng phản ánh không tự nguyện tham gia bảo hiểm, vẫn xảy ra. Khi khách hàng bị tư vấn sai hoặc ép mua bảo hiểm có thể gây nên những vụ khiếu kiện, ảnh hưởng đến uy tín của cả ngân hàng, công ty bảo hiểm và dẫn đến việc thanh tra, xử phạt từ cơ quan quản lý.

Gần đây, sau đợt thanh tra từ ngày 21/10 - 8/11/2024, cơ quan thanh tra phát hiện sai phạm tại một công ty bảo hiểm nhân thọ bán bảo hiểm thông qua hai tổ chức tín dụng, gồm một ngân hàng quy mô nhỏ và một công ty tài chính.

Số liệu cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance đạt 258,8 tỷ đồng, chủ yếu là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và bảo hiểm liên kết chung. Đây là kênh phân phối quan trọng, chiếm tỷ trọng 46,7% tổng doanh thu phí bảo hiểm của công ty này.

Tuy nhiên, việc phân phối sản phẩm bảo hiểm liên kết chung thông qua đại lý bảo hiểm tổ chức là ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục. Cụ thể, tài liệu minh họa bán hàng của nhiều hợp đồng bảo hiểm liên kết chung chưa đề cập đến các lưu ý quan trọng dành cho bên mua bảo hiểm về quy định hợp đồng, nghĩa vụ đóng phí và kê khai thông tin. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng khi tham gia bảo hiểm.

Thông tin cung cấp cho khách hàng chưa rõ ràng, chưa nhấn mạnh rằng hợp đồng bảo hiểm là một cam kết dài hạn. Việc khách hàng hủy hợp đồng trước hạn có thể dẫn đến việc không nhận lại được số tiền tương đương với phí bảo hiểm đã đóng.

Đáng nói, sau khi thực hiện hơn 1.200 cuộc gọi xác minh với khách hàng về hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, có 76 trường hợp phản ánh vấn đề trong quá trình tư vấn. Trong đó, 35% trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm không hoàn toàn tự nguyện, 22% trường hợp phản ánh sản phẩm hoặc mức phí không phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính; 32% cho biết không được tư vấn rõ ràng về quyền lợi bảo hiểm và các điều khoản loại trừ.

Ngoài ra, một vấn đề đáng lo ngại là tiếp diễn tình trạng cho mượn mã số đại lý bảo hiểm để tư vấn sản phẩm, dù người thực hiện không đủ điều kiện hoạt động, không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro với khách hàng.

Tăng cường giám sát chặt chẽ

Theo ước tính của FiinRatings, từ năm 2017 tới nay, hoạt động bancassurance đóng góp từ 5 - 12% vào tổng thu nhập ngoài lãi toàn ngành ngân hàng mỗi năm. Hoạt động này được đánh giá còn tiềm năng, do sự hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ mà còn tận dụng được mạng lưới khách hàng rộng lớn của ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và phục vụ khách hàng.

"Các ngân hàng sở hữu lượng khách hàng lớn, với dữ liệu chi tiết về tài chính và nhu cầu đầu tư. Việc khai thác dữ liệu này giúp các công ty bảo hiểm tiếp cận đúng nhóm khách hàng tiềm năng, từ đó gia tăng tỷ lệ chuyển đổi" - FiinRatings đánh giá.

Để tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ liên quan đến quản lý lỏng lẻo tư vấn viên bảo hiểm, việc triển khai biện pháp giám sát chặt chẽ hơn các đại lý bảo hiểm là cần thiết, nhằm đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi của khách hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng và công ty bảo hiểm cần nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo tư vấn viên có đủ chuyên môn, kỹ năng và đạo đức khi tư vấn khách hàng.

Đồng thời, cần có chế tài nghiêm minh xử lý các trường hợp tư vấn sai lệch, nâng cao chất lượng dịch vụ. Vai trò của cơ quan quản lý cũng đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường thanh kiểm tra, đảm bảo hoạt động bancassurance diễn ra minh bạch và đúng quy định, tránh tổn thất cho khách hàng cũng như ảnh hưởng đến uy tín toàn ngành.

Sự chuyển đổi về công nghệ trong bán hàng và bồi thường cũng cần đẩy mạnh áp dụng, giúp tối ưu hoá chi phí, đảm bảo tính minh bạch và nâng cao niềm tin khách hàng. Nếu không kiểm soát tốt việc tư vấn sai lệch, thiếu minh bạch hay những lỗ hổng trong đào tạo và giám sát thì kênh bancassurance khó phục hồi, dù có những thương vụ ký kết mới triển khai./.