Hiện nay việc sử dụng hóa đơn điện tử đã thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố.

Hiện nay việc sử dụng hóa đơn điện tử đã thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố.

Các đơn vị cung cấp phần mềm cũng cho biết, sẽ phối hợp với cơ quan thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử

Luật Quản lý thuế số 38 quy định, từ 1/7/2022 bắt buộc tổ chức, cá nhân phải áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). Tuy nhiên Nghị định 123/2020/NĐ-CP (Nghị định 123) quy định về hóa đơn chứng từ khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử. Do đó, thời gian qua Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp có đủ điều kiện chuyển sang áp dụng HĐĐT.

Cùng với việc đẩy mạnh áp dụng HĐĐT, căn cứ quy định tại Nghị định số 123 và yêu cầu quản lý về HĐĐT, Tổng cục Thuế đang hoàn chỉnh dự thảo thông tư hướng dẫn về hóa đơn chứng từ; đồng thời nghiên cứu các giải pháp công nghệ, xây dựng thiết kế tổng thể hệ thống quản lý HĐĐT đáp ứng quy định tại Nghị định số 123.

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hệ thống HĐĐT đang được Tổng cục Thuế xây dựng trên nền tảng kiến trúc ứng dụng công nghệ 4.0 mới, theo hướng triển khai hệ thống dữ liệu lớn (Big Data). Hướng đi này phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, khối chức năng xử lý nghiệp vụ được thiết kế triển khai linh hoạt, có độ mở cao, theo mô hình vừa xây dựng phát triển phần mềm, vừa triển khai và vận hành mà không ảnh hưởng tới hoạt động của ứng dụng.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, trước khi triển khai trên toàn quốc, sẽ thực hiện triển khai trước tại 6 tỉnh, thành phố trong 6 tháng cuối năm 2021, đảm bảo đến 1/7/2022 sẽ áp dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, theo đúng quy định tại Nghị định 123 và Luật Quản lý thuế số 38.

Nhà cung cấp hóa đơn sẵn sàng đồng hành cùng cơ quan thuế

Thực hiện chủ trương của Tổng cục Thuế, các cục thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích và vận động doanh nghiệp, người nộp thuế áp dụng HĐĐT. Tại Cục Thuế TP. Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội về việc đẩy mạnh áp dụng HĐĐT, sau nhiều nỗ lực, đến 30/9/2020 đã có 100% doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng HĐĐT.

Hiện nay, để khuyến khích những doanh nghiệp mới thành lập áp dụng HĐĐT, UBND TP. Hà Nội đã hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước 100% phí sử dụng một năm chữ ký số và 500 HĐĐT của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT Vinaphone, Công ty cổ phần MISA, Công ty cổ phần Bkav.

Năm 2020 đã sử dụng khoảng 2,3 tỷ hóa đơn điện tử

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, hiện nay việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã thực hiện trên 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 255 doanh nghiệp thí điểm áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế và trên 550.000 doanh nghiệp áp dụng HĐĐT theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính. Số lượng HĐĐT đã sử dụng trong năm 2020 khoảng 2,3 tỷ hóa đơn, chiếm khoảng 50% tổng số hóa đơn sử dụng trong năm 2020.

Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, việc miễn phí phí dịch vụ trong vòng 1 năm và 500 HĐĐT nằm trong Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025, đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội giao Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ trì triển khai. “Với gói hỗ trợ chữ ký số và HĐĐT, doanh nghiệp ngay lập tức được trang bị công cụ hiện đại. Điều này vừa giúp thay đổi hoàn toàn cách thức phát hành, quản lý hóa đơn, chữ ký doanh nghiệp so với việc sử dụng hóa đơn giấy, chữ ký tay trước đây, vừa bảo đảm tuân thủ quy định của cơ quan nhà nước” - ông Trường cho hay.

Tại Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng HĐĐT cơ quan thuế đã tuyên truyền và vận động các doanh nghiệp đang hoạt động, có đủ điều kiện để áp dụng sớm chuyển sang áp dụng HĐĐT. Ông Cao Ngọc Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính đến hết tháng 6/2021, đã có 8.133 người nộp thuế đăng ký sử dụng HĐĐT, đạt 90,7% số người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn.

Cùng với sự chủ động vào cuộc của cơ quan thuế các cấp, các doanh nghiệp cung cấp phần mềm HĐĐT cũng đã tích cực phối hợp với cơ quan thuế để triển khai thực hiện. Bà Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA cho biết, doanh nghiệp đã phối hợp với Cục Thuế TP. Hà Nội và nhiều cục thuế khác triển khai các buổi đào tạo, tập huấn, hội thảo miễn phí. Các buổi tập huấn được tổ chức trực tuyến nhằm hỗ trợ cán bộ, nhân viên, đặc biệt là bộ phận kế toán hiểu rõ về HĐĐT và hướng dẫn sử dụng trực tiếp trên phần mềm HĐĐT của MISA.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi đã tổ chức các chương trình ưu đãi cho doanh nghiệp triển khai sớm, không giới hạn số lượng người dùng, không phải trả thêm các loại phí như: phí duy trì hàng năm, phí tích hợp với các phần mềm kế toán, bán hàng, quản trị khác nhau; phí tư vấn thủ tục đăng ký sử dụng HĐĐT với cơ quan thuế; phí lưu trữ, tra cứu hóa đơn 10 năm. MISA cũng tặng 300 hóa đơn cho doanh nghiệp mới sử dụng, miễn phí dùng thử 7 ngày, giảm 40% gói combo 4 giải pháp “chuyển đổi số”, tặng 1 năm sử dụng phần mềm kế toán miễn phí cho doanh nghiệp mới thành lập...” - bà Thúy nói.

Hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật đáp ứng công tác quản lý hóa đơn điện tử

Ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, hệ thống hóa đơn điện tử được xây dựng trên nền tảng kiến trúc ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo hướng triển khai cho hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, cụ thể:

Các khối chức năng xử lý nghiệp vụ được thiết kế trên nền tảng MicroService, cho phép triển khai linh hoạt, có độ mở cao, theo mô hình xây dựng phần mềm mới là vừa xây dựng phát triển phần mềm, vừa triển khai và vận hành mà không ảnh hưởng tới hoạt động của ứng dụng.

Khối cơ sở dữ liệu (CSDL) được thiết kế theo kiến trúc dữ liệu phân tán, cho phép hệ thống dễ dàng mở rộng tuyến tính theo yêu cầu số lượng hóa đơn đầu vào cần phải xử lý theo từng thời điểm. Đồng thời, kiến trúc CSDL phân tán cũng đảm bảo mức độ sẵn sàng cao của hệ thống, cho phép lưu được các dữ liệu phi cấu trúc hoặc theo cấu trúc XML của hóa đơn đã được xây dựng và ban hành theo tiêu chuẩn định dạng hóa đơn.

Hệ thống máy chủ được thiết kế theo kiến trúc trên nền tảng ảo hóa và kiến trúc máy chủ siêu hội tụ cho lớp máy chủ ứng dụng, còn lớp máy chủ CSDL được thiết kế trên hệ thống hệ máy chủ mật độ cao, đáp ứng yêu cầu kiến trúc CSDL phân tán.

“Những công nghệ mới này phù hợp với xu thế phát triển công nghệ thông tin chung của thế giới và hiện đang được áp dụng cho các hệ thống tương tự như hệ thống nền tảng phim trực tuyến NetFlix, hệ thống thương mại điện tử Amazon, mạng xã hội Facebook.” - ông Toàn nói.

Nhật Minh