dn

Đại diện một số doanh nghiệp du lịch ký cam kết đấu tranh chống lại buôn bán và tiêu thụ động, thực vật, hoang dã. Ảnh: H.Q

Hội thảo đã cung cấp những thông tin về tình hình buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam, làm suy yếu đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến môi trường sống chung của toàn xã hội.

Bà Nguyễn Tuyết Trinh, đại diện TRAFFIC tại Việt Nam cho biết: “Theo thống kê, hàng năm trên toàn thế giới hoạt động buôn bán động, thực vật hoang đã trái phép mang lại doanh thu từ 7 – 24 tỷ USD. Hoạt động này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn và an ninh của mỗi quốc gia. Sự cam kết và tiên phong của các doanh nghiệp du lịch không chỉ góp phần thúc đẩy những chính sách trách nhiệm xã hội tốt trong cộng đồng doanh nghiệp mà còn trực tiếp ngăn chặn các hành vi vận chuyển và buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã tại Việt Nam và các khu vực trên thế giới”.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của tổ chức này, lợi nhuận thu được từ việc buôn bán động vật hoang dã chỉ đứng sau buôn bán ma túy và vũ khí, trong khi đó chế tài xử phạt đối với hành vi này còn chưa đủ sức răn đe.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cho biết, do lượng khách đi du lịch hàng năm lớn vì vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp tay cho hành vi này khi nhiều vị khách đòi hỏi những món ăn đặc sản hoặc mua những món đồ từ động vật hoang dã. Vì vậy các doanh nghiệp du lịch cần tuyên truyền thuyết phục để du khách thay đổi hành vi của họ.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc SME – VCCI cho rằng, ngoài mục đích lợi nhuận thì doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm xã hội của mình như bảo vệ môi trường. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những quy định nội bộ cho công ty mình như cam kết không sử dụng động vật hoang dã, thực hiện những bước giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường…

Cũng tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp du lịch đã ký cam kết hành động và ủng hộ đấu tranh chống lại các hoạt động vận chuyển và buôn bán trái phép động thực vật hoang dã./.

Hồng Quyên