NTM

Diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân đối với phong trào Khởi nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.

Ngày 30/11/2017, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn "Doanh nghiệp, doanh nhân đối với phong trào Khởi nghiệp trong xây dựng nông thôn mới".

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, trong gần 5 năm của giai đoạn 1 (2010 - 2015), tổng mức vốn huy động cho xây dựng NTM trên cả nước đạt 851.854 tỷ đồng, trong đó vốn các doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp vào xây dựng nông thôn mới đạt 4,9% (tương đương 20.408 tỷ đồng). Có những doanh nghiệp nhỏ như Doanh nghiệp Long Bình (tỉnh Long An) hàng năm tiêu thụ nông sản cho nông dân tới 150 tỷ đồng, tài trợ đến 52 tỷ đồng trực tiếp cho địa phương xây dựng NTM. Doanh nghiệp Phan Hải ở vùng quê nghèo Quảng Bình đã tài trợ 70 tỷ đồng cho các công trình hạ tầng NTM ở địa phương...

Trong giai đoạn 2, nguồn lực hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt, tăng lên trên 193 ngàn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương đáp ứng gần 63 ngàn tỷ đồng.

Năm 2015, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tổ chức trọng thể lễ tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp tiêu biểu cho xây dựng NTM. Tại lễ tôn vinh đó, chỉ tính những doanh nghiệp có tiêu thụ nông sản lớn cho nông dân, tạo công ăn việc làm cho trên 200 lao động địa phương, đóng góp từ 1 tỷ đồng đến trên 10 tỷ đồng, cả nước đã có 65 doanh nghiệp, 31 doanh nhân được Thủ tướng tặng Bằng khen. Tiếp bước kết quả giai đoạn I, từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục đóng góp rất tích cực vào kết quả chung xây dựng nông thôn mới trên cả nước. Phong trào khởi nghiệp từ nông nghiệp, nông thôn đã có thêm nguồn sinh khí và động lực mới.

"Có thể nói, để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, đẩy nhanh tái cơ cấu, tạo việc làm với mục đích nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển hạ tầng, làm đẹp cảnh quan nông thôn… là mục tiêu, đồng thời là nội dung chủ yếu của chương trình nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thì vai trò đầu tàu thuộc về doanh nghiệp", ông Thắng nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, trong nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2010 - 2015, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản (NLTS) chỉ chiếm 0,96% tổng số doanh nghiệp (trong số này doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 3%); tổng vốn đầu tư cũng chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng 1% và chỉ chiếm 2,3% về lao động.

Về khu vực địa lý, đa số các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (72,2%). Các khu vực khó khăn khác như Trung du, Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên ở mức rất thấp (tương ứng là 7% và 11%). Số doanh nghiệp báo lỗ năm 2013 là 35,1% .v.v.

Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp nông lâm thủy sản có nhiều lợi thế, có hiệu suất sinh lời trên doanh thu, trên tài sản, khả năng trả lãi vay, khả năng quay vòng vốn là cao hơn so với các ngành nghề khác, nhưng đây vẫn là lĩnh vực chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp trong và ngoài nước bỏ vốn vào, mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi.../.

Tin, ảnh: Khánh Linh