Doanh nghiệp giảm thời gian, thủ tục xuất nhập khẩu

Trong số hơn 190.000 doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) được đánh giá trên hệ thống quản lý rủi ro thì có trên 10% DN tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai XNK. Có đến 89% DN đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ, chiếm trên 16% kim ngạch và tờ khai XNK. Điều này cho thấy mức độ cần phải quan tâm đến nhóm DN tuân thủ thấp và không tuân thủ.

Nắm bắt được điều đó cũng như với mong muốn đồng hành, giúp đỡ DN tự đánh giá được mức độ tuân thủ, từ đó có các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ DN tự nguyện tuân thủ, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2022 về việc ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Căn cứ các tiêu chí lựa chọn đã được phê duyệt, các cục hải quan tỉnh, thành phố lựa chọn 209 DN đủ điều kiện và sau 6 tháng triển khai đã có 207 DN đã chính thức trở thành thành viên của chương trình.

Doanh nghiệp hưởng

Lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh ký kết quy chế hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ pháp luật. Ảnh: Đỗ Doãn

Theo ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), các cục hải quan địa phương đã tuyên truyền, phổ biến về chương trình; ghi nhận tư cách thành viên trên hệ thống của cơ quan hải quan; xây dựng kế hoạch hành động và báo cáo định kỳ; thành lập Tổ hỗ trợ DN thành viên chương trình để kịp thời xử lý vướng mắc...

Một nội dung quan trọng là hoạt động hỗ trợ DN đã được các đơn vị tập trung nguồn lực để thực hiện. Cụ thể, thời gian vừa qua ghi nhận 80 đề nghị hỗ trợ vướng mắc của các DN thành viên. 100% đề nghị này đã được các cục hải quan tỉnh, thành phố xử lý, hỗ trợ, giải đáp và DN không phát sinh thêm vướng mắc. Trong đó tập trung tại các địa bàn như: Đồng Nai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Cao Bằng…

Là 1 trong 207 DN tham gia, Công ty TNHH Deawon Auto Vina chuyên lắp ráp ghế ngồi cho ngành ô tô, chuyên nhận thầu các loại phụ tùng với số lượng lớn đã ghi nhận thời gian thông quan mỗi lô hàng giảm tới 30-40% so với trước thời điểm trở thành thành viên của Chương trình hỗ trợ, khuyến khích DN tuân thủ pháp luật hải quan.

Ông Yun Byung Ho - Phó Giám đốc Công ty TNHH Deawon Auto Vina, cho hay: “Mọi thứ đã nhanh hơn, từ khâu nhập khẩu cho đến khâu sản xuất, lắp ráp và hoàn thiện. Từ đó thúc đẩy quá trình sản xuất và năng lực cạnh tranh, uy tín của DN cũng được nâng lên. Các thủ tục chờ đợi kiểm tra giảm đi đáng kể. Chương trình này rất hữu ích với chúng tôi”.

Không chỉ giảm thời gian thông quan hàng hóa, DN cũng tiết giảm được thời gian, thủ tục và tài chính cho nghiệp vụ XNK của mình nên ngày càng có nhiều DN đăng ký tham gia chương trình.

Đảm bảo nguồn lực thực hiện

Để thu hút nhiều DN tham gia hơn, Tổng cục Hải quan đang đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn triển khai, đồng thời đã tính tới việc mở rộng điều kiện tham gia. Ông Hồ Ngọc Phan cho biết: “Đây là một chương trình mới, tương đối khó và mang tính toàn diện, trong khi nguồn lực của ngành Hải quan vẫn còn hạn chế nên chúng tôi dự kiến thí điểm trong 2 năm và có lộ trình sau 2 năm sẽ triển khai rộng khắp”.

Một trong những mục tiêu, giải pháp quan trọng đặt ra trong thời gian tới là đưa số lượng DN tham gia chương trình sẽ tăng trên 20% số lượng DN tham gia (so với kết quả thực hiện năm 2022). Để thực hiện được mục tiêu trên, đơn vị dự kiến các giải pháp trọng tâm như: các cục hải quan địa phương phải đảm bảo nguồn lực quản lý khi mời DN tham gia. DN tham gia phải xuất phát từ mong muốn cải thiện mức độ tuân thủ và đảm bảo sự hợp tác tốt với cơ quan hải quan trong việc thực hiện kế hoạch hành động.

Về tiêu chí lựa chọn, xây dựng tiêu chí trên cơ sở lựa chọn các DN có rủi ro trung bình, có nguy cơ thấp về việc để xảy ra các hành vi vi phạm bị thu hồi tư cách thành viên chương trình.

Chương trình được thực hiện theo 2 giai đoạn

Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan được thực hiện theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn thí điểm: thực hiện trong thời gian 2 năm kể từ khi ban hành, kết thúc giai đoạn thí điểm sẽ tổng kết thí điểm để đo lường, đánh giá và sửa đổi, bổ sung chương trình để phù hợp với yêu cầu thực tế.

Giai đoạn triển khai chính thức: triển khai sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm, tổ chức sơ kết mỗi năm/lần, sau 5 năm chương trình tổ chức tổng kết đo lường, đánh giá kết quả việc thực hiện các mục tiêu chương trình và phương hướng triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

* Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

Hướng tới tiếp cận với các thông lệ quốc tế

Doanh nghiệp hưởng
Ông Hoàng Việt Cường

Việc triển khai chương trình là chủ trương lớn của ngành Hải quan, tiếp cận với các thông lệ quốc tế, đặc biệt là thực hiện khung tiêu chuẩn của WCO.

Các đơn vị tiếp tục rà soát để đảm bảo việc thực hiện thí điểm sẽ phủ sóng ở tất cả các DN, từ đó có biện pháp hỗ trợ đối với từng đối tượng DN.

Nếu việc triển khai thí điểm có hiệu quả, qua sơ kết, tổng kết mức tuân thủ, cũng như DN hưởng lợi từ các dịch vụ của cơ quan hải quan tăng lên, thì 266 DN sẽ là những “tuyên truyền viên” để phổ biến cho các DN khác trong cộng đồng, từng lĩnh vực ngành hàng, tiến tới DN tuân thủ, tự tuân thủ pháp luật.

Đây là Chương trình hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, nên các đơn vị của ngành Hải quan phải thể hiện vai trò chủ động hơn nữa trong tiếp cận, hỗ trợ để DN thấy được lợi ích do chương trình mang lại…

* Ông Trần Đức Hùng - Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh:

Nâng cao hiệu quả quản lý hải quan

Doanh nghiệp hưởng
Ông Trần Đức Hùng

Việc tham gia chương trình trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng DN, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, các DN vừa có lợi ích, vừa có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để đánh giá lại thực trạng, chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ, từ đó có kế hoạch cụ thể để từng bước cải thiện, nâng mức tuân thủ.

* Ông Lin Hong Cheng - Công ty TNHH Giày Amara Việt Nam:

Thông quan hàng hóa nhanh hơn

Doanh nghiệp hưởng
Ông Lin Hong Cheng

Sau khi tham gia Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa với Công ty đã giảm đi đáng kể. Trước đây, tỷ lệ luồng đỏ của chúng tôi là 5%, thì giờ đã giảm 2,5 lần. Chúng tôi thấy rằng, việc thông quan hàng hóa của chúng tôi ở Việt Nam đã nhanh hơn so với Trung Quốc từ 1 - 2 ngày. Điều đó là rất hữu ích của một DN có lượng sản xuất lớn, với 11.000 công nhân.