Tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh

Đánh giá vai trò của chuyển đổi số hỗ trợ DN nhỏ và vừa, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số giúp tăng được hiệu quả và năng suất lao động trong các hoạt động của DN, bao gồm từ quản lý và quản trị khai thác dữ liệu thông tin, khả năng cạnh tranh của DN; chuyển đổi số còn mở ra thị trường cho DN, đặc biệt là các DN nhỏ khó có thể tổ chức được mạng lưới bán hàng như các DN lớn.

Nếu chuyển đổi số đúng cách thì người mua hàng sẽ cải thiện trải nghiệm các sản phẩm của DN, thông qua không gian số, đây là cơ hội cho DN nhỏ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chuyển đổi số để phát triển bền vững
Khách hàng trải nghiệm sản phẩm chuyển đổi số tại Ngày hội chuyển đổi số du lịch TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TL.

Vì vậy, việc áp dụng chuyển đổi số làm tăng năng suất cũng giúp DN cải thiện dịch vụ rõ rệt hơn. Qua đó, giảm thiểu chi phí vận hành, tự động hóa quy trình... sẽ góp phần tăng doanh thu cho DN. Ngoài ra, việc áp dụng chuyển đổi số trong DN nhỏ và vừa còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho DN có vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, các DN Việt Nam cần phải tự tạo ra sức bật phát triển, với cốt lõi là việc số hóa DN trên mọi phương diện.

Từ góc độ DN, ông Bùi Mạnh Toàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vietnox cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, việc chuyển đổi số được triển khai mạnh ở các DN. Không chỉ ở các doanh nghiệp lớn, mà các DN nhỏ và vừa cũng đồng loạt triển khai ở các mức độ khác nhau.

Quá trình chuyển đổi số ở các DN hiểu đơn giản nhất là việc đóng gói các hoạt động vận hành hàng ngày lên trên nền tảng số. DN tiết kiệm được chi phí từ in ấn, lưu trữ cho tới quản trị nội bộ, tiết kiệm thời gian, ra quyết sách nhanh chóng và chính xác, mang lại hiệu quả cao.

Các phần mềm quản trị quan hệ khách hàng CRM giúp DN hiểu khách hàng hơn, hoặc các phần mềm marketing hiện nay cũng đều giúp tự động hoá các chiến dịch. Đặc biệt là phần mềm quản trị tổng thể nguồn lực DN ERP giúp giải phóng lãnh đạo DN, giải phóng sức người, giải phóng các nguồn lực của DN. Thực tế cho thấy, các DN chuyển đổi số sớm đều đã đạt được những thành công, thể hiện tầm nhìn và sự quyết tâm của DN.

“Công ty CP Vietnox là nhà nhập khẩu inox từ năm 2005, đã ứng dụng chuyển đổi số từ năm 2018, mang lại hiệu quả cao trong vận hành, giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường” - ông Toàn cho hay.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn lực thực hiện chuyển đổi số

Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình cần tầm nhìn và quyết tâm của DN ở mọi cấp độ, từ lãnh đạo cho tới nhân sự trong toàn hệ thống. Do vậy, khó khăn đầu tiên đó là về mặt nhân sự, khó khăn lớn nhất đó là sự quyết tâm thay đổi thói quen trong vận hành. Khi mới áp dụng số hoá, thói quen làm việc cũ vẫn tồn tại, nhiều nhân sự không sử dụng hoặc sử dụng không triệt để các phần mềm mới. Vì vậy, DN mất rất nhiều thời gian để triển khai cho tới khi vận hành hiệu quả trong DN.

Đồng thời, một khó khăn không tránh khỏi đó là nguồn lực, bao gồm nguồn lực tài chính để chuyển đổi số và duy trì trong các năm tiếp theo. Con số không nhỏ, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Tiếp đến là nguồn lực con người, DN cần có nhân sự đủ quyết tâm, đủ năng lực để triển khai và áp dụng, sửa chữa, tối ưu hoá, rồi lại sửa chữa, tiếp tục tối ưu.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chuyển đổi số để phát triển bền vững
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua đã chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: TL.

Còn theo TS. Tô Hoài Nam, tính đến nay, vẫn còn một số lượng lớn các DN nhỏ và vừa hiểu chưa hết về lợi ích của chuyển đổi số, trong đó nhận thức của người đứng đầu DN hiểu đơn giản chỉ là áp dụng công nghệ, không hiểu một cách sâu sắc chuyển đổi số tác động đến phát triển DN. Điều này dẫn đến thực trạng có 80% DN mong muốn chuyển đổi số, nhưng bước vào hành động thì chỉ khoảng hơn 50%.

Để hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số thành công trong thời gian tới, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong DN; tổ chức thực hiện các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa; tuyên truyền về những mô hình chuyển đổi số thành công của DN để làm bài học kinh nghiệm, lan tỏa trong cộng đồng DN. Đồng thời, có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa có nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số.

Bênh cạnh đó, về phía DN nhỏ và vừa cũng cần nhận diện và giải quyết được những thách thức phải đối mặt khi thực hiện chuyển đổi số. Để làm được điều này, DN nhỏ và vừa cần chủ động tìm hiểu, học hỏi, nắm bắt được những vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số. Từ đó, các DN sẽ tự xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số để có cơ sở xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài và bền vững.

Cơ quan chức năng cần truyền thông mạnh mẽ hơn về chuyển đổi số

Ông Bùi Mạnh Toàn khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần truyền thông mạnh mẽ hơn về chuyển đổi số, tổ chức hội thảo chuyên đề nhằm thúc đẩy DN chuyển đổi số; định kỳ có chương trình đào tạo miễn phí về tầm quan trọng của chuyển đổi số, giới thiệu các sản phẩm chuyển đổi số.

Cùng với đó, xây dựng quỹ hỗ trợ DN chuyển đổi số, nhằm hỗ trợ chi phí triển khai cho DN; kịp thời nêu gương các điển hình thành công về chuyển đổi số, khen thưởng kịp thời để DN có sự động viên và ghi nhận của nhà nước, từ đó lan toả tinh thần dám đổi mới trong cộng đồng DN.