Thời gian thông quan nhanh gấp đôi

Để nâng cao mức độ tuân thủ của doanh nghiệp (DN), hỗ trợ trong quá trình DN làm thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chương trình thí điểm DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Chương trình này đặt ra mục tiêu là trên 80% DN tăng mức tuân thủ, hoặc giữ nguyên mức độ tuân thủ cao và trên 80% DN tham gia hài lòng với các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan.

DN tham gia vào chương trình nhận được nhiều quyền lợi như: Thông tin được bảo mật; được cung cấp thông tin cảnh báo lỗi, vi phạm thường xảy ra trong khi làm thủ tục hải quan; được cung cấp những quy định mới của pháp luật hải quan; được giải đáp các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến đánh giá tuân thủ pháp luật của DN...

Doanh nghiệp tự tuân thủ pháp luật là đối tác tin cậy của hải quan
Lãnh đạo Cục Hải quan Bắc Ninh ký Biên bản ghi nhớ, kế hoạch hành động với các doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm (ngày21/11/2022). Ảnh: BN.

Thực hiện chương trình này, Tổng cục Hải quan đặt ra mục tiêu sau 2 năm triển khai, 100% DN tham gia sẽ không bị xử lý vì các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 - tuân thủ cao và mức 3 - tuân thủ trung bình.

Là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Công ty TNHH Flat Việt Nam trở thành 1 trong 16 DN được chọn tại Hải Phòng tham gia vào Chương trình thí điểm DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Sau khi tham gia, thời gian thông quan cho các lô hàng của DN đã được đẩy nhanh lên gấp đôi so với bình thường. Với kết quả tích cực đó, ông Ngô Dư Kiềm - Tổng giám đốc Công ty TNHH Flat Việt Nam mong muốn được tham gia thêm các chương trình tương tự, để có thể được biết và hiểu hơn pháp luật hải quan từ cơ quan hành pháp.

Ông Đoàn Danh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định, khi có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan, DN từng bước nâng cao mức độ tuân thủ, giảm tỷ lệ vi phạm. Đây là một chương trình thiết thực hỗ trợ DN hạn chế, khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện thủ tục hải quan, giúp DN chủ động có biện pháp để không vi phạm pháp luật hải quan, nâng cao tính tự tuân thủ pháp luật…

Lời cam kết đôi bên

Ở phía cơ quan quản lý, theo ông Nguyễn Anh Ngọc - Phó Trưởng phòng Quản lý rủi ro, Cục Hải quan Hải Phòng, DN cung cấp thông tin qua mạng, từ thông tin đó hệ thống tự động đánh giá và đưa ra những thẩm định. DN có thể tra cứu trực tiếp những đánh giá này trên hệ thống, như vậy sẽ giảm bớt công việc của công chức hải quan.

Tại Thanh Hóa, cơ quan hải quan lựa chọn được 3 DN tham gia. Cục trưởng Cục Hải quan Thanh Hóa Lê Xuân Huế khẳng định, việc ký kết biên bản ghi nhớ chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật là lời cam kết giữa hải quan và DN đồng hành thực hiện tốt các chính sách pháp luật của Nhà nước về hải quan.

Phụ trách một trong các địa bàn có số lượng DN tham gia nhiều nhất (12 DN), Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh Trần Đức Hùng cho rằng, việc tham gia chương trình trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng DN, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, các DN vừa có lợi ích, vừa có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để đánh giá lại thực trạng, chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ, từ đó có kế hoạch cụ thể để từng bước cải thiện, nâng mức tuân thủ.

83% doanh nghiệp tuân thủ mức độ cao

Qua thống kê của Tổng cục Hải quan, trong số hơn 190.000 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu được đánh giá trên hệ thống quản lý rủi ro, có hơn 10% doanh nghiệp tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai. Còn lại có đến 89% doanh nghiệp đang ở mức độ tuân thủ thấp, hoặc không tuân thủ chiếm trên 16% kim ngạch và tờ khai xuất nhập khẩu.

Đến nay đã có khoảng gần 150 DN tham gia chương trình trên địa bàn 35 cục hải quan tỉnh, thành phố. Ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan cho biết, đích đến cuối cùng của cơ quan hải quan thông qua chương trình này chính là kỳ vọng DN sẽ trở thành các đối tác đáng tin cậy của ngành Hải quan. Khi đó, việc kiểm tra, giám sát trong quá trình làm thủ tục hải quan sẽ giảm xuống tối đa.

Cục Quản lý rủi ro cũng đã thiết lập danh sách các cán bộ đầu mối tại hải quan các cấp, thành lập Nhóm chuyên trách thực hiện chương trình với các thành viên từ tổng cục và 35 cục hải quan các tỉnh, thành phố. Từ đó tham mưu, xây dựng các kế hoạch triển khai, phối hợp để đánh giá, theo dõi các hoạt động trong quá trình tuân thủ chương trình.

Có thể nói chương trình thí điểm này là một bước tiến cần thiết để đáp ứng các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.