Manh nha tín hiệu tích cực

Kết thúc quý I/2024, tình hình kinh tế trong nước, bất động sản, đầu tư công đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Điều này khiến cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) có động lực để đặt ra nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi trong năm nay.

Cụ thể, về tình hình kinh tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết thúc quý I/2024 tăng trưởng GDP đạt 5,66%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất các quý I từ năm 2020 đến nay. Trong mức tăng chung của nền kinh tế, ngành xây dựng tăng 6,83%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 1,87% của quý I/2023.

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng có phục hồi trong năm 2024?

Doanh nghiệp VLXD kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ với nhiều dấu hiệu tích cực trong quý I/2024. Ảnh minh hoạ.

Về tình hình bất động sản, Batdongsan.com.vn mới công bố Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2024 với nhiều thông tin tích cực như: giá chung cư Hà Nội tiệm cận TP. Hồ Chí Minh, đất nền “tan băng”, nhà riêng ổn định… Bên cạnh đó, báo cáo cũng đề cập đến việc Quốc hội chính thức thông qua các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai cùng với những nghị quyết, nghị định, thông tư... tháo gỡ khó khăn, có tác động tích cực đến khả năng phục hồi và tăng trưởng đối với VLXD.

Về công tác giải ngân đầu tư công, theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ tháng 1. Nhờ đó, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư công so với kế hoạch của quý I/2024 đạt 13,9%, cao nhất trong các quý từ năm 2019 đến nay (năm 2019 đạt 13,3%; 2020 đạt 11,8%; 2021 đạt 13,7%; 2022 đạt 12,9%; 2023 đạt 12,9%).

Bên cạnh đó, vốn đầu tư công thực hiện sẽ được đẩy nhanh từ quý II, nhiều công trình, dự án triển khai tốt sẽ có khả năng thực hiện hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được giao như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành hay các đường vành đai được mở rộng. Xây dựng sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ các nhóm ngành VLXD với khối lượng lớn.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều chỉ đạo nhằm gỡ khó cho việc cung ứng VLXD trong thi công các công trình trọng điểm.

Doanh nghiệp tự tin đan xen thận trọng

Với những dấu hiệu tích cực đến từ tình hình kinh tế, bất động sản, đầu tư công, nhiều doanh nghiệp VLXD đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 đầy lạc quan.

Với ngành thép, tại tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 mới đây, Công ty Tập đoàn Hoà Phát (mã ck: HPG) công bố kế hoạch kinh doanh của năm 2024 với mục tiêu doanh thu đạt 140 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10 nghìn tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với năm 2023.

Theo đó, kết thúc quý I/2024, HPG ghi nhận doanh thu đạt 31.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt hơn 2.800 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ. Trên thị trường chứng khoán, trong quý I/2024, cổ phiếu HPG có xu hướng tăng với mức giá cao nhất tại phiên ngày 5/3/2024 lên đến hơn 31.000 đồng/cổ phiếu.

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng có phục hồi trong năm 2024?

Trong quý I/2024, cổ phiếu HPG, HSG, HT1, VGC có xu hướng tăng. Riêng đối với cổ phiếu ngành đá xây dựng VLB trong quý I có xu hướng giảm, kết phiên ngày 29/3, cổ phiếu VLB có giá 34.360 đồng/cổ phiếu. Ảnh: Diệu Khiết.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành thép là Công ty Tập đoàn Hoa Sen (mã ck: HSG) cũng đặt mục tiêu kinh doanh với 2 kịch bản. Kịch bản 1 với sản lượng tiêu thụ 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ, doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng 12,33 lần so với thực hiện trong niên độ 2022-2023.

Kịch bản 2, tổng sản lượng tiêu thụ ước tính 1.730 nghìn tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ, doanh thu ước tính 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, tăng 15,67 lần so với thực hiện trong niên độ 2022-2023.

Kết thúc quý I niên độ 2023-2024, doanh thu HSG đạt 9.073,22 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 103,36 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 680,23 tỷ đồng, tức tăng thêm 783,59 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, trong 3 tháng đầu năm 2024, cổ phiếu HSG có xu hướng tăng với mức giá cao nhất tại phiên ngày 27/3 là 24.100 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh các doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng thì có những doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 đầy thận trọng trong bối cảnh thị trường đang dần hồi phục.

Theo đó, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) công bố kế hoạch năm 2024 với tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker dự kiến đạt 24,31 triệu tấn, tăng 7,7% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 18,57 triệu tấn, tăng 5,3%; tổng doanh thu gần 30.000 tỷ đồng, giảm 1,2% so với thực hiện năm 2023.

Tại tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2024, xi măng Vicem Hà Tiên (mã ck: HT1) đặt mục tiêu trong năm 2024 sản xuất clinker khoảng 17,03 triệu tấn, tăng 3% so với thực hiện năm 2023. Tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker khoảng 24,31 triệu tấn, tăng 7,7%. Trong đó, tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 18,57 triệu tấn, tăng trưởng 5,3% so với thực hiện năm 2023, tổng doanh thu khoảng 29.814 tỷ đồng, giảm 1,2% so với năm 2023.

Với gốm sứ xây dựng, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã ck: VGC) đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2024 ở mức 13.468 tỷ đồng, giảm tới 14,5% so với mức mục tiêu của năm 2023. Bên cạnh đó, VGC đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ trong năm 2024 lần lượt ở mức 5.000 tỷ đồng và 1.100 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,3% và 16% so với mức mục tiêu của năm 2023.

Với ngành đá, tại tài liệu họp ĐHĐCĐ 2024, Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hoà (mã ck: VLB) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 đi lùi so với năm 2023. Doanh thu thuần 2024 dự kiến đạt 878,3 tỷ đồng, giảm hơn 80 tỷ với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 130 tỷ đồng tương tự như năm ngoái./.