Tiếp nhận, xử lý 1,03 triệu hồ sơ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính (TTHC) năm 2021 bao gồm: cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Trong quý III/2021, những nội dung này được tập trung thực hiện và đạt kết quả nổi bật ở một số lĩnh vực. Theo đó, đối với công tác kiểm soát quy định TTHC, Bộ NN&PTNT đã cho ý kiến về quy định có liên quan đến TTHC tại 5 dự thảo nghị định; 2 dự thảo thông tư; kiểm soát chất lượng công bố 2 TTHC mới, 6 TTHC thay thế mới, 20 TTHC bị bãi bỏ thuộc lĩnh vực phòng chống thiên tai, chăn nuôi, quản lý chất lượng, trồng trọt và cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Đồng thời, bộ đã rà soát, chuẩn hóa, cập nhật và công khai 106 TTHC sửa đổi, bổ sung mức phí, lệ phí; kiểm soát việc ban hành 15 quy trình nội bộ giải quyết TTHC...

Đổi mới, cải cách thủ tục hành chính để nông nghiệp phát triển

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC như: vận hành hệ thống thông tin Một cửa điện tử của bộ, Cổng Dịch vụ công của bộ theo quy chế quản lý, vận hành, khai thác sử dụng Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, triển khai hỗ trợ đơn vị thực hiện TTHC trên hệ thống một cửa điện tử.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT xây dựng phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, dự kiến sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 51/118 TTHC (đạt 43,22%); 4/423 yêu cầu điều kiện (đạt 0,94%); 143/227 tiêu chuẩn quy chuẩn (đạt 62,99%); 92/1768 mã HS – kiểm tra chuyên ngành (đạt 5,2%); 2/14 chế độ báo cáo (đạt 14,28%). Tỷ lệ cắt giảm TTHC năm 2021 dự kiến đạt 11,41%; tổng số văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ gồm: 41 văn bản quy phạm pháp luật (2 luật, 6 nghị định và 33 thông tư).

Đối với công tác hiện đại hóa hành chính, Bộ NN&PTNT triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai chính phủ số, Chính phủ điện tử của Bộ giai đoạn 2021-2030; triển khai chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, theo Nghị quyết 17/NQ-CP và Quyết định 942/QĐ-TTg...

Đáng chú ý, Cổng dịch vụ công trực tuyến của bộ hoạt động ổn định, các thủ tục kết nối hải quan và tất cả các dịch vụ công mức độ 2 cũng đã được tích hợp lên cổng dịch vụ công; Bộ NN&PTNT đã có 30 TTHC chính thức được cung cấp ở mức độ 3,4. Song song đó, đã triển khai kết nối 29 TTHC trên Hệ thống một cửa quốc gia. Tính đến nay, các đơn vị đã tiếp nhận, xử lý tổng số 1,03/1,14 triệu hồ sơ cho các tổ chức cá nhân trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia...

Công khai thủ tục hành chính kịp thời, đúng quy định

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT là bộ đa ngành, đa lĩnh vực nên mọi vấn đề cần phải lượng hóa và đề nghị thủ trưởng các đơn vị của bộ phải coi việc cải cách TTHC là nhiệm vụ quan trọng. “Nông nghiệp Việt Nam vẫn nhỏ lẻ bởi có tới hàng chục triệu hộ nông dân, phải gắn với hợp tác xã, gắn với doanh nghiệp, trang trại. Nếu như không tháo gỡ được TTHC thì hệ sinh thái đó sẽ không phát triển được” - ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Với quan điểm đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu nếu đơn vị nào gây khó khăn cho doanh nghiệp thì phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, quá trình cải cách hành chính phải trên cơ sở luật pháp quy định.

Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2021, Bộ NN&PTNT tiếp tục rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý; kiểm soát chặt chẽ việc quy định TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật; cập nhật, công bố, công khai TTHC kịp thời, đúng quy định. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại các đơn vị thuộc bộ; tiếp tục thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC...

Bộ cũng đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số theo Nghị quyết 17/NQ-CP và Quyết định 942/QĐ-TTg và chuyển đổi số theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai kết nối trên Cơ chế một cửa quốc gia đối với 100% thủ tục hành chính liên quan đến xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của bộ; thực thi đầy đủ trách nhiệm được phân công về kiểm tra chuyên ngành theo quy định...

Tiếp tục thực hiện ký số, phát hành văn bản điện tử

Quý III/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện ký số, phát hành văn bản điện tử của bộ và thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia; 100% văn bản đến, đi của Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thực hiện gửi, nhận trên văn phòng điện tử; 100% văn bản nội bộ của văn phòng (giấy mời, tài liệu họp, thông báo...) được trao đổi dưới dạng văn bản điện tử.