Khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thời tiết bất lợi

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án có 8 gói thầu và đang triển khai thi công trên toàn tuyến. Do dự án có xuất phát điểm chậm (ảnh hưởng dịch Covid-19) đến tháng 12/2021 phần lớn các gói thầu mới có thể triển khai nên giá trị sản lượng thực hiện từ khởi công đến nay đạt hơn 45% khối lượng, giá trị còn lại chủ yếu là khối lượng thi công bê tông nhựa chiếm 55 - 60%. Tiến độ chưa đạt mong muốn do một loạt các nguyên nhân như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thời tiết bất thường, mưa nhiều và mỏ đất phục vụ cho công tác thi công đang gặp khó khăn. Hiện tại, tranh thủ thời tiết thuận lợi hơn giai đoạn trước tết nên Ban Quản lý dự án 2 đã yêu cầu nhà thầu đồng loạt triển khai nhiều mũi thi công để bù tiến độ bị chậm trước đó.

Dự án góp phần tăng cường khả năng kết nối hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên.
Dự án góp phần tăng cường khả năng kết nối hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên.

Một khó khăn nữa là mặc dù dự án chỉ còn thời gian ngắn nữa là hết thời hạn thực hiện gói thầu nhưng việc giải phóng mặt bằng của các địa phương vẫn chưa hoàn thành, ảnh hưởng đến tiến độ do nhà thầu chưa nhận được mặt bằng để thi công hoàn thiện gói thầu.

Bên cạnh khó khăn về mặt bằng thì hiện tại, UBND tỉnh Gia Lai đang tập trung rà soát việc cấp mỏ vật liệu trên toàn tỉnh do vậy UBND tỉnh Gia Lai đã tạm ngừng cấp phép cũng như gia hạn cấp phép cho các mỏ vật liệu đất, điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc đẩy nhanh khối lượng thi công của nhà thầu.

Đặc biệt, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết, quốc lộ 19 khi triển khai cải tạo, nâng cấp với mục tiêu đường cấp III theo tiêu chuẩn hiện hành phải điều chỉnh bình đồ, trắc dọc nhiều vị trí nâng cao và hạ thấp nền đường cho phù hợp quy định và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của một số người dân hai bên tuyến đường. Đặc biệt, việc các mỏ vật liệu đất bị tạm dừng cấp phép khiến các gói thầu không có nguồn đất đắp nền đường. Theo thống kê, hiện toàn tuyến còn thiếu hơn 200 nghìn m3 đất đắp nền.

Gia hạn cho dự án một số mỏ đất, bổ sung mỏ vật liệu

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ của dự án, Bộ GTVT đã kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai sớm cấp và gia hạn cho dự án một số mỏ đất để hoàn thiện nền đường; chấp thuận việc đề xuất bổ sung mỏ vật liệu, trạm trộn bê tông nhựa cho các nhà thầu; tích cực phối hợp với các nhà thầu để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công.

Để đẩy nhanh tiến độ, Ban Quản lý dự án 2 đã yêu cầu nhà thầu khẩn trương huy động bổ sung thiết bị, nhân lực, tăng cường bổ sung các mũi thi công. Đồng thời, nhà thầu cần đẩy nhanh thi công các hạng mục đặc biệt cấp phối đá dăm và bê tông nhựa; khẩn trương thi công cầu, cống để không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Liên quan đến tiến độ dự án và khó khăn về giải phóng mặt bằng, mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã trực tiếp kiểm tra hiện trường và có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai để tháo gỡ vướng mắc trên. Trong đó có đề nghị UBND các tỉnh: Gia Lai, Bình Định tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương tập trung, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục còn tồn tại theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai quan tâm cấp phép khai thác mỏ vật liệu cho dự án đảm bảo thi công đúng tiến độ.

Tổng nguồn vốn đầu tư gần 5.600 tỷ đồng

Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 nối Gia Lai - Bình Định (giai đoạn 2) thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, được khởi công từ cuối tháng 8/2021 (giai đoạn 1 đầu tư BOT nâng cấp, cải tạo từ km17+027 - km51+152 với tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào khai thác năm 2016); dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Tổng chiều dài tuyến khoảng 143 km (đoạn qua tỉnh Gia Lai 126 km, qua Bình Định 17 km) với tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (tương đương hơn 3.600 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia khoảng 2,1 triệu USD cho thiết kế kỹ thuật, 3,7 triệu USD còn lại là vốn đối ứng trong nước. Đến tháng 7/2022, Bộ Giao thông vận tải quyết định bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án này. Nếu tính cả hai giai đoạn, nguồn vốn đầu tư nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 19 lên đến gần 5.600 tỷ đồng.