Đồng 1000 Yen và 100 USD. |
Đồng Euro đi lên sau phát biểu của Ủy viên Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Isabel Schnabel rằng việc cắt giảm lãi suất cần diễn ra từ từ, đưa chính sách hướng tới mức trung lập chứ không phải nới lỏng. Giới đầu tư đã giảm bớt đặt cược vào khả năng ECB cắt giảm lãi suất, đẩy đồng Euro tăng 0,7% lên 1,0560 USD/Euro.
Đồng tiền chung châu Âu đang đối mặt với ngưỡng kháng cự 1,06 USD/Euro. Ngưỡng này có thể bị thử thách nếu số liệu lạm phát của Đức cao hơn dự kiến.
Trong khi đó, đồng Yen đã tăng mạnh trong hai phiên liên tiếp và vượt qua đường trung bình động 200 ngày để lên 151,5 Yen/USD.
Thị trường đang dự đoán Ngân hàng trung ương Nhật Bản có 60% xác suất tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng tới, tăng từ mức 50% của tuần trước.
Bà Jane Foley, chiến lược gia tiền tệ cấp cao của ngân hàng Rabobank, nhận định lạm phát Nhật Bản cao hơn dự kiến và rủi ro Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất 1 lần nữa vào tháng 12 đã gia tăng áp lực giảm lên cặp tỷ giá USD/Yen.
Những biến động này cùng với việc nhu cầu mua USD của doanh nghiệp giảm sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu cuối tháng đã chặn đà phục hồi của đồng USD trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn. Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - giảm gần 0,8% xuống còn 106,13.
Dự kiến hoạt động giao dịch tại Mỹ cũng sẽ thưa thớt trong phần còn lại của tuần này. Lợi suất trái phiếu Mỹ cũng giảm và gây thêm áp lực giảm giá lên đồng USD, sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 10/2024 của nước này tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái và phù hợp với kỳ vọng thị trường. Chỉ số PCE mới nhất được đưa ra sau khi thước đo này giảm dần từ 2,5% vào tháng 7/2024 xuống 2,1% vào tháng 9/2024, tiến sát hơn tới mục tiêu 2% do Fed đề ra./.