la

Lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai giải đáp vướng mắc hoàn thuế cho DN

Ông Công cho biết: Đồng Nai là tỉnh có lượng DN xuất khẩu, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khá lớn. Thời gian qua, Cục Thuế Đồng Nai đã triển khai tốt công tác hoàn thuế GTGT, đặc biệt là trong quý I/2016.

* PV: Đồng Nai là một trong hai địa phương (cùng với Hà Nội) sẽ được Tổng cục Thuế triển khai thí điểm hoàn thuế GTGT điện tử. Công tác chuẩn bị cho việc này được tiến hành như thế nào thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Công: Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các DN đã thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử theo chủ trương của Chính phủ. Năm 2016, Cục Thuế Đồng Nai cũng đã triển khai thực hiện hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS). Còn việc thực hiện thí điểm hoàn thuế GTGT điện tử, chúng tôi đã sẵn sàng và hiện đang chờ chỉ đạo và hướng dẫn của Tổng cục Thuế.

* PV: Quý I/2016 là khoảng thời gian có Tết Nguyên đán Bính Thân, hồ sơ hoàn thuế gửi đến tăng nhiều và DN cần tiền để giải quyết lương thưởng cho người lao động… Điều này có gây áp lực đối với việc giải quyết hoàn thuế của đơn vị?

- Ông Nguyễn Văn Công: Căn cứ tình hình hồ sơ hoàn thuế của các DN phát sinh nhiều, chúng tôi đã phải điều động thêm cán bộ tăng cường cho bộ phận giải quyết hồ sơ hoàn thuế, nhằm sớm có hồ sơ gửi Tổng cục Thuế giám sát hoàn thuế theo quy định. Kết quả là trong quý I/2016, Cục Thuế Đồng Nai đã giải quyết hoàn thuế GTGT chuyển kho bạc 552 hồ sơ, với tổng số tiền hoàn 2.501 tỷ đồng.

cong

Ông Nguyễn Văn Công

Để đạt được kết quả trên, trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, đơn vị luôn bám sát theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế trong việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoàn thuế; đồng thời luôn tranh thủ được sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh theo quy định của Luật Quản lý thuế và thông tư hướng dẫn.

* PV: Thực tế, đơn vị đã có giải pháp gì giúp DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thuế GTGT?

- Ông Nguyễn Văn Công: Vướng mắc trong việc hoàn thuế GTGT chủ yếu rơi vào nhóm DN có hồ sơ hoàn thuế theo 12 tháng (4 quý), trong đó nhóm DN sản xuất hàng hóa bán trong nước, khó khăn về vốn kinh doanh. Cục Thuế Đồng Nai đã hỗ trợ, hướng dẫn thật chi tiết cho DN trong việc lập hồ sơ hoàn thuế đầy đủ theo quy định, tránh việc phải giải trình tốn thời gian.

* PV: Ông nhận định gì về chuyển đổi phương thức quản lý thuế sang quản lý rủi ro? Theo ông, điều này sẽ đem lại lợi ích gì cho người nộp thuế và cơ quan quản lý?

- Ông Nguyễn Văn Công: Cuối năm 2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 204/2015/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế (QLT), thực hiện từ tháng 2/2016, trong cơ quan thuế các cấp để đánh giá việc tuân thủ pháp luật thuế.

Đối với nghiệp vụ hoàn thuế, cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ, căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ về phân loại người nộp thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế để áp dụng biện pháp phù hợp. Tổng cục Thuế căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ để xác định hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn trước kiểm sau hay kiểm trước hoàn sau.

Về lợi ích đối với người nộp thuế, nếu hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước thì cơ quan thuế tiếp nhận giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cập nhật vào hệ thống hồ sơ hoàn thuế, cập nhật dự thảo quyết định hoàn thuế. Tổng cục Thuế trong thời gian không quá 6 giờ sẽ phản hồi kết quả. Căn cứ kết quả phản hồi của Tổng cục Thuế, cục thuế ban hành quyết định hoàn thuế và tự động cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế quyết định này.

Còn đối với cơ quan thuế, có thể căn cứ theo xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế để tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau. Việc phân định, phân chia DN thành các nhóm theo các cấp độ tuân thủ sẽ giúp cơ quan thuế tối ưu hóa chi phí quản lý thuế nói chung, chi phí thanh tra, kiểm tra nói riêng cũng như phân bố các nguồn lực một cách hiệu quả, tránh lãng phí…

* PV: Xin cả­m ơn ông!

Đỗ Doãn (Thực hiện)