Ba bài học kinh nghiệm triển khai dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đã phê duyệt 6/7 dự án thành phần giải phóng mặt bằng

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đã thông tin về việc triển khai nghị quyết của Quốc hội về đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Theo ông Hà Minh Hải, TP. Hà Nội xác định đây là một bước cụ thể hóa việc tập trung vào 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược (phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước mắt ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối). Kết quả đến nay, đối với công tác chuẩn bị đầu tư: UBND 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đã phê duyệt 6/7 dự án thành phần giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đường song hành. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Hà Nội đã thu hồi 694,20/793,80 ha (đạt 87,45%), di chuyển 6.262/10.034 ngôi mộ (62,37%).

Các địa phương tại Hà Nội đang đẩy nhanh việc chi trả bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4; cùng với đó, gấp rút hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư liên quan đến dự án.

Để đạt kết quả này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trước đó, chính quyền thành phố đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đồng thời, công tác giải phóng mặt bằng được tách thành dự án độc lập. Từ đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình; đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định: xây dựng, phát triển Thủ đô trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; mục tiêu đến năm 2030, trở thành thành phố có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Để đạt được mục tiêu này, TP. Hà Nội rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác mọi tiềm năng, nguồn lực và tạo động lực mới để xây dựng, phát triển Thủ đô.

Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội: Phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2026
Ba bài học kinh nghiệm triển khai dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội.

Xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được thực hiện theo 3 quan điểm

Báo cáo về việc triển khai thực hiện 4 nội dung luật, nghị quyết Quốc hội đã ban hành cho Hà Nội, ông Hà Minh Hải cho biết, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thành phố và Bộ Tư pháp đã đang thực hiện công tác xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, vào tháng 10/2023.

Việc xây dựng dự Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia.

Việc xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được thực hiện theo 3 quan điểm: thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô, tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ cũng như các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.

Về thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội cũng được triển khai tiến hành từ rất sớm, bài bản, chu đáo, kỹ lưỡng bảo đảm các điều kiện để vận hành hiệu quả mô hình mới. Dư luận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô rất quan tâm, đánh giá cao việc tổ chức quản trị theo mô hình chính quyền đô thị đang được thực hiện thí điểm tại Hà Nội.

Về việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua. Các cơ chế, chính sách này đã giúp thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực có sẵn; góp phần chia sẻ khó khăn và tăng cường sự đoàn kết, hợp tác giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, đồng thời, góp phần giảm áp lực cho ngân sách cấp thành phố...