Qua thống kê cho thấy, giá xi măng từ cuối năm 2021 và tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng nhẹ (4 - 6%) do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt nguồn cung than đá khan hiếm, giá than tăng, dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng. Từ tháng 3/2022 đến nay cơ bản giữ ổn định với mức giá khoảng 1.200 - 2.900 đồng/kg, tăng khoảng 15% so với quý IV/2021 và tăng khoảng 18% so với quý IV/2020.

Đối với nhựa đường, đây là loại mặt hàng nhập khẩu, có độ nhạy cao đối với biến động xăng dầu, biến động của dầu thô trên thế giới và tỷ giá ngoại tệ trên đồng Việt Nam. Đặc biệt, từ đầu thời điểm quý IV/2021 đến nay, giá xăng dầu trên thế giới có biến động tăng mạnh nên tác động làm tăng giá nhựa đường nhập khẩu trong nước.

Dự báo giá vật liệu xây dựng tăng những tháng cuối năm
Dự báo giá vật liệu xây dựng tăng những tháng cuối năm. Ảnh: TL.

Qua thống kê sơ bộ, tháng 5/2022, giá nhựa đường các loại tăng từ 800 - 1.000 đồng/kg so với tháng 4/2022 hiện có giá trung bình khoảng 17.000 đồng/kg, tăng khoảng 15% so với quý IV/2021 và tăng khoảng 30% so với quý IV/2020. Đây là thời điểm nhựa đường có giá cao nhất trong vòng 5 năm qua và dự báo tiếp tục tăng theo mức tăng giá xăng dầu thế giới trong năm 2022.

Các loại vật liệu khai thác (đất, đá, cát), nhìn chung không có sự biến động nhiều do tình trạng khan hiếm nguồn cung đã kịp thời được giải quyết cơ bản. Tuy nhiên từ tháng 3/2022 đã có sự điều chỉnh tăng giá do giá xăng, dầu tăng tác động đến các chi phí khai thác, vận chuyển các loại vật liệu này. Trong thời gian tới, do giá nhiên liệu đặc biệt là xăng dầu đang tăng cao, vì vậy sẽ tiếp tục có sự tăng giá đối với các loại vật liệu này.

Dự báo trong các tháng tiếp theo trong năm 2022, giá thị trường vật liệu xây dựng vẫn có nhiều biến động nhất là một số mặt hàng bị ảnh hưởng bởi thị trường nguyên liệu đầu vào từ quốc tế như thép, nhựa đường và các vật liệu khai thác cát, đá, đất đắp.

Năm 2022 dự kiến nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn khởi công, đáng kể nhất là tuyến cao tốc Bắc – Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến đường vành đai… tốc độ đô thị hóa nhanh, đồng thời dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt khiến các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động hơn, dẫn đến nhu cầu về vật liệu xây dựng thép, xi măng, cát, đá... tiêu thụ mạnh.

Trong khi đó, các loại vật liệu khai thác cát, đá, đất đắp vẫn tiếp tục vướng mắc về nguồn cung vật liệu (do nhu cầu tăng) để đáp ứng triển khai tiến độ xây dựng các dự án giao thông đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020 và giai đoạn 2021 – 2025, các dự án đường bộ cao tốc khác kết nối các địa phương tại khu vực (đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc ...).

Trong báo cáo mới đây gửi Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương về mặt nghiệp vụ khảo sát thu thập số liệu, cách thức xác định giá vật liệu, thiết bị công trình.

Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cần tổng hợp danh mục vật liệu xây dựng theo yêu cầu kỹ thuật của công trình giao thông, đặc biệt là các vật liệu sử dụng làm đường cao tốc gửi các địa phương có cơ sở thực hiện xác định, công bố giá cho phù hợp với đặc thù sử dụng vật liệu của công trình giao thông./.

Phải gửi danh mục vật liệu xây dựng để công bố giá phù hợp

Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cần tổng hợp danh mục vật liệu xây dựng theo yêu cầu kỹ thuật của công trình giao thông, đặc biệt là các vật liệu sử dụng làm đường cao tốc gửi các địa phương có cơ sở thực hiện xác định, công bố giá cho phù hợp với đặc thù sử dụng vật liệu của công trình giao thông./.