50% khoản thu vượt dự toán

Theo Cục thuế tỉnh Hậu Giang, diễn biến của dịch Covid-19 và việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã chiếm nhiều thời gian năm 2021. Đây là nguyên nhân khiến công tác thuế gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) có thời điểm tê liệt do đứt gãy nguồn cung, hàng trăm doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh phải đóng cửa hoặc tạm ngừng SXKD. Tổng số tiền nợ thuế tăng cao, nhất là nợ có khả năng thu; cộng với 342 DN tại địa phương đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, theo chính sách của Chính phủ với số tiền 101,7 tỷ đồng... làm giảm tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tỉnh Hậu Giang...

Để vượt qua khó khăn, trở ngại nhất là thời điểm đỉnh dịch (tháng 5 – 9/2021) gây ra, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo theo dõi sát sao, diễn biến tiến độ thu NSNN, thực hiện định kỳ hàng tuần, hàng tháng đánh giá tiến độ thu của từng địa bàn, đơn vị; phân tích cụ thể từng khoản thu, nhằm đưa ra dự báo và kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách; huy động ngay thuế phát sinh vào NSNN, đảm bảo tiến độ thu NSNN đề ra.

Xưởng chế biến thủy sản xuất khẩu trong khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Châu Thành, Hậu Giang).
Xưởng chế biến thủy sản xuất khẩu trong khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Châu Thành, Hậu Giang).

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Hậu Giang cho biết, hệ lụy của dịch Covid-19 để lại hệ quả nặng nề cho SXKD và công tác thu NSNN địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm 15/12/2021, có thể khẳng định tổng thu nội địa tỉnh Hậu Giang vượt chỉ tiêu dự toán năm 2021, với nhiều khoản thu đạt tỷ lệ vượt cao... Đây là thắng lợi bất ngờ trong một năm đầy “sóng gió”, tạo nguồn động viên tích cực đối với lực lượng công chức thuế và cơ quan thuế tỉnh Hậu Giang tự tin làm nhiệm vụ năm 2022 được dự báo tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thách thức...

Cục Thuế tỉnh Hậu Giang, dự kiến đến 31/12/2021, tổng thu trên địa bàn ước đạt 4.220 tỷ đồng, bằng 126,83% dự toán pháp lệnh năm 2021, tăng trên 11% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 7/14 khu vực thu vượt mức dự toán pháp lệnh giao từ 105,57% - 2.036,67%; đồng thời có 4/14 khoản thu không hoàn thành chỉ tiêu dự toán, như: Thu khu vực DNNN chỉ đạt 69,84% dự toán; lệ phí trước bạ đạt 86,36%; phí - lệ phí đạt 84,32%; thu tiền thuê đất đạt 83,33%. Nguyên nhân do một số DNNN chuyển đổi mô hình, sức mua sắm tài sản của người dân và đầu tư của DN sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là yếu tố khách quan, nằm ngoài khả năng quản lý của cơ quan thuế...

Sẵn sàng “chinh phục” mục tiêu thu năm 2022

Năm 2022, Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đảm nhận dự toán thu NSNN Bộ Tài chính giao là 4.042 tỷ đồng và dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao 4.300 tỷ đồng, trong điều kiện dịch Covid-19 được giới chuyên gia dự báo vẫn chưa xác định thời điểm kết thúc, diễn biến của dịch tiếp tục tác động xấu đến hoạt động SXKD, kéo giảm mức chi tiêu xã hội. Mặt khác, chưa có dấu hiệu đột biến phát sinh thêm nguồn thu đóng góp cho NSNN địa phương. Đây là yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ thu NSNN…

“Trước những dự báo không thuận lợi, đồng thời căn cứ cơ sở dữ liệu cơ quan thuế đang quản lý và mức tăng trưởng số thu qua các năm, thời điểm giữa tháng 12/2021, cơ quan thuế địa phương đã chuẩn bị nhiều giải pháp trọng tâm nhằm quản lý và khai thác hiệu quả nguồn thu ngay tháng đầu, quý đầu năm 2022…” - ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.

Những ngày cuối năm 2021, Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đã sẵn sàng các phương án, chương trình hành động, như: phối hợp với các sở, ngành, địa phương; giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện dự toán thu NSNN năm 2022; tích cực hỗ trợ các DN có dự án đầu tư tại địa phương. Mặt khác, cơ quan thuế các cấp nâng cao trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc thực hiện kê khai thuế, quyết toán thuế của các tổ chức, DN, cá nhân nộp thuế đúng hạn. Công tác kiểm tra, giám sát kê khai thuế chặt chẽ, đảm bảo 100% các tổ chức, cá nhân SXKD trên địa bàn đều được đưa vào diện quản lý và kê khai thuế. Các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra thuế cần bám sát phương pháp quản lý rủi ro đúng quy trình; chủ động xử lý, ngăn chặn không để phát sinh tiền thuế nợ mới; áp dụng các biện pháp đôn đốc nợ thuế và cưỡng chế nợ đối với khoản nợ đến hạn mà người nộp thuế chây ỳ nợ thuế… cho “chiến dịch” năm 2022.

Tổng thu nội địa năm 2021 tăng 21 lần so với năm 2004

Tỉnh Hậu Giang được tái lập muộn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2004, với mức xuất phát điểm thấp, do đặc thù kinh tế thuần về sản xuất nông nghiệp, tổng thu nội địa năm đầu tiên chỉ trên 200 tỷ đồng. Sau 18 năm ưu tiên đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp của các cấp chính quyền, nỗ lực của doanh nghiệp và cơ quan thuế, đến nay Hậu Giang đã có trên 4.000 doanh nghiệp và hàng chục nghìn hộ kinh doanh, tổng thu nội địa năm 2021 tăng 21 lần so với năm 2004. Đây cũng là giai đoạn Cục Thuế tỉnh Hậu Giang liên tục hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước, trở thành truyền thống của đơn vị trong việc nối dài chuỗi thành tích gần 20 năm qua…