bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, Chính phủ cần triển khai và thực hiện sớm chính sách hỗ trợ cho người đóng BHXH tự nguyện theo quy định của Luật BHXH. Ảnh minh họa

Đề xuất hai phương thức hỗ trợ

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hiện đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo Bộ này, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã nêu rõ: “Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp”.

Dự báo năm 2020, lực lượng lao động có khoảng 60 triệu người và như vậy đến năm 2020, mục tiêu cần hướng tới độ bao phủ số người tham gia BHXH sẽ là 30 triệu người. Với quỹ thời gian còn 7 năm, để đạt được mục tiêu này thì mỗi năm cần mở rộng thêm trên 2,6 triệu người tham gia BHXH mà chủ yếu là phải tập trung mở rộng quy mô số người tham gia BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, thực trạng triển khai chính sách BHXH tự nguyện sau 8 năm thực hiện cho thấy, số người tham gia vẫn còn thấp. Tính đến hết 31/12/2014, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt 196.254 người, chiếm 0,35% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động và 0,45% so với số người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện, tốc độ gia tăng đối tượng bình quân năm giai đoạn 2010- 2014 chỉ đạt 39,4%.

Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH: “Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện”.

Song, để có thể đạt được mục tiêu về mở rộng đối tượng theo yêu cầu, Bộ này cho rằng, Chính phủ cần phải triển khai và thực hiện sớm chính sách hỗ trợ. Do việc thực hiện chính sách này phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, nên dự thảo Nghị định có đưa ra hai phương án hỗ trợ.

Theo đó, với phương thứ nhất, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho tất cả những người tham gia BHXH tự nguyện trong 10 năm đầu tham gia với mức hỗ trợ 5 năm đầu là 50%, 5 năm tiếp theo là 30% trên mức đóng tối thiểu.

Phương án thứ hai, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động ở khu vực nông thôn tham gia BHXH tự nguyện trong toàn bộ thời gian tham gia với mức hỗ trợ hằng tháng là 30% mức đóng tối thiểu.

Theo các phương án dự kiến nêu trên, người tham gia đóng BHXH tự nguyện phần thuộc trách nhiệm phải đóng cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH tự nguyện tại cấp xã.

Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu do Bộ Tài chính quy định, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH.

Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do cơ quan BHXH chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào quỹ BHXH mỗi quý một lần; chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào quỹ BHXH của năm đó.

Dự kiến, ngân sách nhà nước sẽ chi cho thực hiện chính sách hỗ trợ, giả định cho hai phương án này thực hiện ngay từ 01/01/2016.

Số năm đóng về sau tối đa không quá 5 năm

Cũng tại dự thảo Nghị định này, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có hướng dẫn cụ thể về hai phương thức đóng BHXH tự nguyện mới được bổ sung thêm trong Luật BHXH sửa đổi. Đó là phương thức đóng 12 tháng một lần và một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu. Trước đó, Luật BHXH 2006 chỉ quy định 3 phương thức đóng là hằng tháng, 03 tháng, 06 tháng một lần.

Ở phương thức đóng một lần cho nhiều năm, cơ quan soạn thảo cho rằng, Luật BHXH quy định mức đóng tối thiểu dựa trên mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (được điều chỉnh 5 năm một lần). Mặt khác để phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội và khả năng đóng của đại đa số người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện, nên dự thảo Nghị định quy định giới hạn số năm đóng về sau tối đa không quá 5 năm.

Nếu đóng một lần cho những năm còn thiếu, thì việc xác định số năm còn thiếu phải dựa trên thời điểm chính sách BHXH tự nguyện bắt đầu được triển khai từ ngày 01/01/2008 đến thời điểm người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

Đối với mức đóng một lần cho nhiều năm được xác định bằng tổng mức đóng cho các năm tương ứng trong quá khứ hoặc tương lai. Trong đó,mức đóng cho mỗi năm trong quá khứ được tính thêm lãi suất bằng mức lãi suất đầu tư bình quân năm từ hoạt động đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội trong quá khứ, và mức đóng cho mỗi năm trong tương lai được tính chiết khấu với mức lãi suất bằng mức lãi suất đầu tư bình quân năm từ hoạt động đầu tư của quỹ BHXH được dự báo trong tương lai do Bộ Tài chính công bố.

Bùi Lan