Điều hành giá công khai, minh bạch tránh lợi ích nhóm

Luật Giá số 11/2012/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, đã tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá của Nhà nước.

Thời gian qua, công tác điều hành, quản lý giá đã góp phần kiểm soát lạm phát hàng năm theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô; hệ thống giá điện, nước sạch cho sinh hoạt, xăng dầu, dịch vụ công từng bước được điều hành theo cơ chế thị trường có lộ trình; thu hẹp danh mục hàng hóa do nhà nước định giá (chỉ định giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội); không thực hiện bù lỗ, bù giá, bao cấp qua giá; phát triển nghề thẩm định giá theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch hơn...

Nguồn: Bộ Công thương
Nguồn: Bộ Công thương

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn sau 9 năm thi hành luật cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế nhất định, do đó cần thiết phải sửa đổi luật.

Theo cơ quan soạn thảo, Luật Giá (sửa đổi) phải là một trong những công cụ pháp lý quan trọng để tham gia điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tiếp tục củng cố, nhất quán quan điểm về công tác quản lý, điều hành giá của Nhà nước được thực hiện theo cơ chế thị trường, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, khắc phục những mặt tồn tại như lợi ích nhóm, trục lợi, tiêu cực lãng phí; đồng thời, phải có tính linh hoạt trong các trường hợp để ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh trong thực tiễn có tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) gồm 7 chương, 76 điều, quy định về nhiều vấn đề quan trọng, như: bình ổn giá, định giá; hiệp thương giá, kê khai giá, niêm yết giá; tổng hợp, phân tích, dự báo mặt bằng giá thị trường; thẩm định giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá...

Chính phủ quyết định mặt hàng, thời gian bình ổn giá

Giá cả thị trường lên xuống như “hàn thử biểu” đo đếm chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, chính sách bình ổn giá những loại hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu luôn được người dân đặc biệt quan tâm. Trên thực tế đã phát sinh những tình huống, do không được quy định trong danh mục các mặt hàng bình ổn giá nên nhà nước không thể can thiệp, khi giá cả tăng đột biến, khiến người dân mà đặc biệt là người nghèo lao đao. Do đó, khi đề cập sửa luật lần này, Bộ Tài chính thể hiện quan điểm, chính sách về bình ổn giá cần được hoàn thiện theo hướng linh hoạt trong các tình huống.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất: Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá sẽ được giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết, trên cơ sở các nguyên tắc chặt chẽ được quy định tại luật. Đồng thời, dự thảo đề xuất tăng cường phân công, phân cấp, rõ trách nhiệm trong việc triển khai bình ổn giá trên phạm vi cả nước và trên địa bàn. Bình ổn giá được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế - xã hội nhất định.

Sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Giá tại kỳ họp cuối năm

Chiều 13/6, với 92,77% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 có bố cục gồm 4 điều với các nội dung chủ yếu về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và việc tổ chức thực hiện nghị quyết. Trong đó, nghị quyết quy định: bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) các dự án: Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự...

Theo đó, bám sát nội dung chính sách đã xây dựng, dự thảo luật đã quy định chi tiết hơn các nguyên tắc bình ổn giá (tại Điều 16) và cụ thể hóa các trường hợp áp dụng bình ổn giá, bao gồm: “Trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao, hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai, hoặc khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, theo quy định tại Luật Tình trạng khẩn cấp”.

Trên cơ sở đó, để khắc phục hạn chế hiện nay, luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết (Điều 16), bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện. Cơ bản Danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá chi tiết sẽ được rà soát trên 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện nay để kế thừa, điều chỉnh phù hợp.

Đồng thời, dự thảo luật quy định cơ chế để xử lý tình huống trong các trường hợp khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Trường hợp đó, cho phép Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục để áp dụng trong thời hạn nhất định trên cơ sở đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh.

Có rất nhiều vấn đề lớn được đặt ra trong việc sửa Luật Giá lần này. Hy vọng, việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” hiện nay liên quan đến công tác quản lý giá sẽ góp phần, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Theo Bộ Tài chính, các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách bao gồm: điều chỉnh biện pháp đăng ký giá gộp vào nội hàm biện pháp kê khai giá. Theo đó, biện pháp kê khai giá sẽ là biện pháp được thực hiện thường xuyên nhằm tạo kênh thông tin nắm bắt kịp thời các diễn biến về giá để đề xuất chủ trương bình ổn giá trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, điều chỉnh biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá trở thành một bước trong việc tổ chức thực hiện bình ổn giá, nhằm giúp cơ quan quản lý xác định rõ nguyên nhân gây biến động về giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn các biện pháp bình ổn giá phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, tại dự thảo luật mới này, sẽ cụ thể hóa rõ hơn biện pháp “áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế”. Trong trường hợp áp dụng biện pháp định giá hàng hóa, dịch vụ để bình ổn giá thì trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá thấp hơn phương án giá đã được rà soát, đánh giá theo quy định thì xem xét, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, hoặc có cơ chế hỗ trợ hợp lý, phù hợp với thẩm quyền (Điểm d Khoản 1 Điều 19).

Về thẩm quyền, trách nhiệm và tổ chức thực hiện bình ổn giá, Bộ Tài chính đề xuất, khi hàng hóa, dịch vụ có biến động tăng quá cao hoặc giảm quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, các cơ quan sẽ triển khai bình ổn giá.

Dự thảo luật cũng bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá. Hiện nay chỉ tồn tại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ Quỹ Bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Trên thực tế hiện nay chỉ có duy nhất quỹ bình ổn giá đối với xăng dầu. Việc duy trì quỹ này cũng gây nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải bỏ quỹ và để giá xăng dầu theo thị trường. Tuy nhiên, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu có thể nói đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” khi có vai trò như “van điều tiết” giá. Khi giá xăng tăng vọt, Chính phủ đã "xả" quỹ để kìm giữ giá xăng dầu ở mức nhất định.