Ông Hà Huy Tuấn
Ông Hà Huy Tuấn

Đề xuất về trách nhiệm và sự vào cuộc cùng với ngành Tài chính trong hoạt động quản lý thuế của các bộ, ngành, đơn vị liên quan là chính đáng, cần thiết và phù hợp trong bối cảnh mới.

* PV: Thưa ông, hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội đang ngày càng phổ biến. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh này hiện nay?

- Ông Hà Huy Tuấn: Có thể thấy, trong vài năm qua các hoạt động kinh doanh trực tuyến đã và đang dần thay thế các hình thức mua bán truyền thống, mang lại hiệu quả và giá trị lợi nhuận cao. Tuy nhiên, việc quản lý các hoạt động TMĐT là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý, trong đó có ngành Thuế. Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh TMĐT có nguồn thu lớn từ thị trường Việt Nam nhưng vẫn chưa đóng thuế theo quy định của pháp luật, gây thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.

Cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là hoạt động TMĐT có phạm vi kinh doanh rộng và đa dạng nên ngành Thuế rất khó khăn trong việc xác định doanh thu, lợi nhuận… Thời gian qua, quản lý thuế chủ yếu áp dụng các hình thức doanh nghiệp, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp. Điều này tạo ra lỗ hổng trong quản lý thuế, song với điều kiện thực tế của nước ta trước đây thì hoàn toàn phù hợp và hầu như các nước trên thế giới bước đầu cũng đã phải làm như vậy.

* PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân cơ bản khiến cho công tác quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT còn gặp nhiều khó khăn?

- Ông Hà Huy Tuấn: Như trên đã nói, TMĐT là loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ nên rất khó kiểm soát; khó xác định địa chỉ, nguồn thu, người nộp thuế, nắm bắt các giao dịch… Đây là yếu tố khó khăn nhất đối với quản lý thuế.

Điều đáng nói nữa là, hiện nay chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng, điển hình như ngân hàng. Trên thực tế, có nhiều trường hợp để quản lý được luồng tiền, cơ quan thuế cần nắm bắt các giao dịch ngân hàng của doanh nghiệp (DN), cá nhân. Song không phải trường hợp nào ngân hàng cũng cung cấp thông tin này, thường thì hiện tại, phía ngân hàng chỉ cung cấp trường hợp nào vi phạm, trốn lậu thuế đã được xác định rõ.

Bên cạnh đó, việc quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh trên TMĐT đòi hỏi cần phải có trình độ chuyên môn rất cao về tin học, ứng dụng, phần mềm, trình độ kết nối dữ liệu giao dịch… trong khi cán bộ ngành Thuế của chúng ta đa số chỉ được đào tạo và thực hiện công việc bằng phương pháp truyền thống; để thay đổi cách làm cần có thời gian tuyên truyền, đào tạo nhân lực theo phương pháp hiện đại. Mặt khác, hệ thống pháp luật của nước ta về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT chưa bắt kịp với sự phát triển của TMĐT, chưa đồng bộ và hoàn thiện; ý thức tuân thủ pháp luật thuế của nhiều cá nhân, DN kinh doanh TMĐT chưa cao, chưa có sự tự giác chấp hành…

* PV: Để quản lý thuế hiệu quả với hoạt động TMĐT, trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đã nêu rõ trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan. Xin ông cho biết ý kiến về nội dung này trong dự thảo?

- Ông Hà Huy Tuấn: Tôi đánh giá cao những định hướng và thay đổi của ngành Thuế thời gian vừa qua trong hoạt động quản lý nguồn thu, nhất là đối với lĩnh vực kinh doanh trên TMĐT. Những nội dung quy định mới trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là chính xác, đúng hướng và rất kịp thời trong bối cảnh hiện nay.

Trong đó, các quy định quản lý có tính bao trùm, khỏa lấp được những kẽ hở trong quản lý thuế từ trước đến nay. Đồng thời, đáp ứng được các kỹ năng mới của quản lý thuế hiện đại, cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường TMĐT, vừa tạo điều kiện cho TMĐT phát triển, vừa mở rộng cơ sở thu thuế và ngăn ngừa, phòng chống được các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Đặc biệt, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có sửa đổi, bổ sung những điều khoản liên quan đến trách nhiệm, sự chung tay vào cuộc cùng với ngành Tài chính của các bộ, ngành, UBND các cấp và các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT, thông qua đó giúp hoàn thiện cơ sở pháp lý để thắt chặt quản lý thuế đối với hoạt động này.

Cụ thể trong đó có đề xuất phía Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp để phát triển thanh toán TMĐT, cung cấp thông tin tài khoản khách hàng; hướng dẫn các ngân hàng thương mại khấu trừ thay tổ chức kinh doanh số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước; xác định các giao dịch, nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT... Đề xuất này rất cần thiết và hợp lý, bởi chỉ mình ngành Thuế thì rất khó quản lý chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh TMĐT nếu không có sự phối hợp, tích cực trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan, nhất là ngân hàng.

Cùng với những kết quả tích cực của việc triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online… mà ngành Thuế đã nỗ lực thực hiện thời gian qua, tôi tin rằng những quy định mới trong dự Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ bảo đảm quản lý chặt chẽ và hiệu quả hoạt động kinh doanh trên TMĐT trong thời gian tới.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Với một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự đoán rất tiềm năng và sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Đây cũng là một khu vực tiềm năng để phát triển nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tố Uyên (thực hiện)